Người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài thường có thu nhập cao so với lao động trong nước. Việc mở rộng đối tượng này vào diện tham gia BHXH bắt buộc là nhằm giúp họ tích lũy để được hưởng lương hưu sau này.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết theo Nghị định 115/2015 hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2014, NLĐ đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016. Theo đó, các đối tượng NLĐ này gồm: Đi làm việc theo hợp đồng với công ty dịch vụ xuất khẩu lao động; đi làm với doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài; đi thực tập nâng cao tay nghề; đi theo hợp đồng cá nhân. Nghị định này cũng ghi rõ trừ NLĐ đi làm việc theo công ty trúng thầu quốc tế phải tham gia tất cả hình thức bảo hiểm, 3 nhóm lao động còn lại chỉ đóng BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng được xác định bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở hiện hành (22% của 2,3 triệu đồng). Khi NLĐ về nước, có quyền hưởng BHXH một lần hoặc đóng tiếp. Với những NLĐ không đóng BHXH, luật không cấm họ đi làm việc ở nước ngoài.
Liên quan đến sự chênh lệch giữa mức 22% trên 2 lần tiền lương cơ sở mà NLĐ đi xuất khẩu lao động đóng với mức 8% lao động làm việc trong nước đang đóng, bà Trần Thị Thúy Nga cho
rằng không quá cao so với mặt bằng chung. “Nếu NLĐ làm việc trong nước, họ được tham gia vào quan hệ lao động. Khi đó NLĐ và người sử dụng lao động cùng đóng BHXH. Còn khi tham gia xuất khẩu lao động, NLĐ được nhận tiền lương và đóng BHXH bắt buộc cũng là tiền để dành của họ cho tương lai” - bà Nga giải thích.
Theo Vụ BHXH, quy định đóng BHXH đối với lao động đi xuất khẩu lao động đã được quy định từ năm 2006. Theo đó, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nếu trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận BHXH một lần. Luật BHXH năm 2014 mở rộng thêm và áp dụng với tất cả lao động, dù trước đó chưa đóng BHXH thì khi làm việc ở nước ngoài đều thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Theo thống kế, những năm gần đây, mỗi năm có tới 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ có thể chọn đóng một lần cho 3 tháng, 6 tháng, thậm chí 1 năm. NLĐ có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thể vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để trang trải những khoản tiền phải đóng trước khi đi nếu gặp khó khăn.
Bà Nga cho biết hầu hết NLĐ và doanh nghiệp ở nước sở tại mà lao động Việt Nam đang làm việc chỉ đóng BHXH để NLĐ được hưởng các chế độ ngắn hạn như tai nạn lao động, ốm đau, chăm sóc y tế mà không thực hiện chế độ BHXH dài hạn như chế độ hưu trí. Hiện nay, mới chỉ có Nhật Bản là đóng cả chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất và sau khi hết hạn hợp đồng làm việc, NLĐ sẽ nhận trợ cấp một lần.Vì vậy, Luật BHXH năm 2014 đã đưa ra quy định NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chỉ tham gia 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Do đó, các chế độ BHXH bắt buộc thực hiện ở trong nước và ngoài nước sẽ bổ sung cho nhau. Trong ngắn hạn, NLĐ sẽ hưởng ở nước sở tại và dài hạn thì sẽ hưởng ở Việt Nam.
Đầu năm 2018, người nước ngoài được cấp giấy phép làm việc ở Việt Nam cũng phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây là cơ hội để NLĐ ở bất kỳ quốc gia nào cũng có khả năng hưởng lương hưu khi về già.
Thành Nam