Điều thú vị hơn là sự liên kết giữa não và ruột cũng có vai trò truyền tín hiệu ở tình cảm yêu thương, cảm giác an toàn, sợ hãi, nguy hiểm.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tương tác giữa ruột và não có liên quan với những chứng rối loạn ở não như bệnh Parkinson, Alzheimer, tự kỷ, trầm cảm và lo âu nhưng đến nay, sự phức hợp và phân nhánh của mối quan hệ này đã bắt đầu được soi sáng. Hơn nữa, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Current Biology khảo sát liệu thuốc chống rối loạn tâm thần theo dạng điều chỉnh sự dẫn truyền tín hiệu của chất dopamine có ảnh hưởng lên tình trạng viêm hay không.
Lâu nay, 2 hệ thống sinh lý học này vốn vẫn được mặc định là 2 thực thể riêng biệt. Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Alejandro Aballay tại ĐH Y khoa Duke ở TP Durham - Mỹ và cộng sự đã sử dụng mô hình giun tròn Caenorhabditis elegans (C. elegans) để nghiên cứu tương tác giữa não và ruột. Đây được xem là mô hình dễ khảo sát do hệ thần kinh của giun C. elegans chỉ chứa đựng 302 tế bào thần kinh, so với 100 tỉ tế bào ở não người.
Đầu tiên, các nhà khoa học “dội bom” C. elegans bằng hàng loạt hóa chất nhằm tìm kiếm thành phần nào có thể giúp bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm trùng. Trong số hơn 1.000 loại thuốc, hơn một nửa tác dụng lên hệ thần kinh; 45 loại làm thay đổi quá trình miễn dịch và một số ít ngăn chặn hoạt động của dopamine.
Tiếp theo đó, nhóm nghiên cứu khảo sát tác dụng của dopamine và sự dẫn truyền tín hiệu của dopamine lên giun C. elegans và hệ miễn dịch của chúng. Họ ngăn chặn tác dụng của dopamine bằng loại thuốc thường dùng để trị trầm cảm và tâm thần phân liệt tên gọi chlorpromazine và nhận thấy C. elegans khó bị vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa tấn công khi dùng thuốc này. Ngược lại, chúng trở nên dễ nhiễm khuẩn khi tiếp cận với dopamine. Nhóm nghiên cứu cũng cho thấy bằng cách điều chỉnh mức độ dopamine lên C. elegans, họ có thể kiểm soát chứng viêm trong ruột.
Hơn thế nữa, dopamine có thể giúp ngăn ngừa hệ miễn dịch quay vũ khí chống lại các tế bào lành như đã từng thấy ở một số bệnh về hệ miễn dịch. GS Aballay giải thích: “Giun cũng có cơ chế đối phó với vi khuẩn như chúng ta. Con người có hàng ngàn tỉ cơ thể vi sinh sống trong ruột và chúng ta nên thận trọng khi kích hoạt sự phòng vệ chống kháng khuẩn; làm sao cho chúng ta chủ yếu tập trung vào vi khuẩn gây hại mà không gây tổn thương vi khuẩn có lợi và thậm chí tổn thương tế bào của chính chúng ta”.
GS Aballay cho rằng nghiên cứu này mở thêm phổ rộng về ứng dụng trị liệu bằng cách điều chỉnh phản ứng viêm của hệ miễn dịch. Theo ông, dù khác biệt giữa giun với người là khoảng cách quá dài về quy mô nhưng ông hy vọng tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của hệ thần kinh lên hệ miễn dịch nhiều khả năng được ứng dụng để trị liệu tốt hơn nhiều chứng bệnh như viêm khớp, viêm ruột, bệnh về hệ miễn dịch, kể cả ung thư. Khi chúng ta biết nhiều hơn về tương tác ruột - não - miễn dịch, quan điểm và phương pháp xử lý của chúng ta đối với cơ thể sẽ thay đổi một cách đáng kể.
Ảnh hưởng của hệ thần kinh lên hệ miễn dịch nhiều khả năng được ứng dụng để trị liệu tốt hơn nhiều chứng bệnh như viêm khớp, viêm ruột, bệnh về hệ miễn dịch, kể cả ung thư.