Vừa đặt chân vào một cửa hàng bán thuốc đông y mang tên H.T.L.Ô (quận 3), chị Hoàng Thị Thanh (quận 4) đang hỏi mua hộp giấy loại viên đông trùng hạ thảo 500gr.
“Đông trùng hạ thảo giá cả toàn trên trời. Nhà mình thì không có dư dả nhưng nghe bổ thì cũng mua cho ông bà dùng, tại sức khỏe không tốt. Mua loại viên thì rẻ nhất, cỡ 265.000 đồng/ hộp, uống được cỡ 2 tuần”, chị Hoàng Thị Thanh chia sẻ.
Chủ tiệm thuốc H.T.L.Ô (quận 3) cho biết: “Số hộp thuốc đông trùng hạ thảo bán được chắc đếm trên đầu ngón tay. Ít ai mua lắm. Còn với đông trùng hạ thảo nguyên con (hay còn gọi là dược liệu) thì tiệm này không bán. Phải ra tận phố Hải Thượng Lãn Ông để hỏi”.
Tìm đến phố kinh doanh thuốc Bắc lớn nhất TP HCM – Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), hàng loạt các tiệm thuốc lớn với những loại dược liệu được bày sẵn ngoài cửa. Ghé vào một hiệu thuốc có tên T.P trên đường Lương Nhữ Học (quận 5), ngỏ ý muốn mua loại đông trùng hạ thảo nguyên con, thì chủ tiệm đưa ra một hộp gỗ nhỏ và giới thiệu đây là loại đông trùng khô do Hàn Quốc nuôi trồng.
“Đông trùng hạ thảo nguyên cả cái phố này chỉ có mỗi loại này thôi, nhập về từ Hàn Quốc với giá 4 triệu 100gr. Muốn con có kích thước nhỏ hơn thì cũng có, nhưng vẫn giá đó nhé”, chủ tiệm thuốc Bắc T.P cho hay.
Nói rồi chủ tiệm chỉ tay vào hai hộp gỗ chứa đông trùng hạ thảo có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, màu sắc của những loại đông trùng này khá sẫm màu, khô và một số con còn gãy ngang thân.
Tuy nhiên, vỏ hộp lại được ghi dòng chữ Trung Quốc. Chủ cửa hàng nhanh chóng giải thích do “lỡ tay đánh vỡ hộp gốc nên ra chợ mua những hộp giấy bán sẵn để bỏ đông trùng hạ thảo bán(?)”.
Đến một tiệm bán dược liệu gần đó, có tên V.P, chủ tiệm cũng đưa ra loại đông trùng tương tự chủ tiệm T.P với giá 40 triệu đồng/ kg. Mặc dù với giá khá rẻ so với các loại đông trùng “có tiếng” nhưng loại này vẫn không được người dân chuộng.
“Một hộp đông trùng có 100gr này mà tôi phải tách nhỏ ra để bán. Người dân ít ai mua nguyên hộp để dùng mà hầu hết biếu tặng thì có mua, nhưng cũng rất ít. Hầu hết là cứ mua 10g, 20g nên tách ra nên dễ bán hơn”, chủ tiệm cho biết.
Khi hỏi đến loại đông trùng Tây Tạng thì chủ tiệm khá bất ngờ. “Với giá 1,9 tỷ đồng một ký, chả có mấy ai mua. Tôi còn chưa thấy con đông trùng Tây Tạng bao giờ. Chủ yếu toàn đông trùng nuôi trồng không, hàng thì của Hàn Quốc, đôi khi có Trung Quốc chứ hàng Tây Tạng đâu có ai đặt. Mà đặt thì phải mất ngót ngét năm trời mới có hàng, và cũng chỉ được mấy trăm gram chứ không có đặt ký”, chủ tiệm V.P cho hay.
Chủ tiệm V.P cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, đông trùng hạ thảo chỉ mới trồng được phần thân trên (hay gọi là mầm) chứ chưa có loại nguyên con. Mà giá cũng khá “chát”, 90 triệu đồng/ kg đông trùng khô.
“Có nhiều người đến chào hàng đông trùng Việt Nam mà với giá đó tôi cũng không lấy. Người Việt mình đưa hàng nước ngoài thì lấy chứ nghe đến hàng Việt cũng không muốn mua. Mua tặng thì toàn thích mua hàng sang”, chủ tiệm V.P chia sẻ.
Ngoài đông trùng hạ thảo dạng khô, chủ tiệm V.P còn chỉ tay vào một loạt những hộp giấy với các loại đông trùng hạ thảo dạng viên, với giá 350.000 đồng/ hộp (500gr). Ngoài ra còn có cả dạng bột hoặc nước nhưng ít người mua nên tiệm không nhập hàng.
“Tác dụng đông trùng dạng viên không bằng được so với dạng khô, bởi lượng đông trùng trong các viên rất ít, chủ yếu là các loại dược liệu phụ. Hơn nữa, dạng bọc viên chất lượng sẽ giảm vì đã qua chế biến rồi”, chủ tiệm V.P nói.
Tìm hiểu trên mạng thì giá cả của các loại đông trùng hạ thảo lại khá đa dạng. Với những loại dạng viên thì có giá dao động dưới 1 triệu đồng/hộp. Đông trùng hạ thảo khô của Việt Nam thì giá trên dưới 100 triệu đồng/ký. Riêng đông trùng hạ thảo tươi được nuôi trồng tại Việt Nam thì có giá 20 triệu đồng/ký.
Đông trùng hạ thảo có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng có loại giá 1 tỷ đồng/ký. Riêng những sản phẩm tính theo con thì giá dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng/con.
Đông trùng hạ thảo còn gọi là trùng thảo, hạ thảo đông trùng hay đông trùng thảo, là giống nấm mọc ký sinh trên một loại sâu non thuộc họ cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau. Vào mùa đông, con sâu non nằm ở dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất dinh dưỡng, làm con sâu chết. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất (stroma) mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Người ta thường đào lấy cả xác sâu và nấm mà dùng làm thuốc. Vì mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ nên vị thuốc này có tên là thảo dược đông trùng hạ thảo. |