Tại hội thảo chia sẻ mối liên quan giữa rượu, bia và ung thư, ngày 19-4 tại Hà Nội, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng nhiều nghiên cứu khẳng định chất ethanol có trong rượu là nguyên nhân gây các bệnh ung thư: khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Báo động bệnh ung thư
Bác sĩ Tạ Văn Trình, Bệnh viện K trung ương, cho biết tại Việt Nam, bệnh ung thư tăng nhanh. Nếu những năm 1990, số ca mắc mới ung thư vào khoảng 70.000 ca, đến năm 2015 là 150.000 ca thì ước tính vào năm 2020, số mắc mới ung thư mỗi năm khoảng 200.000 ca. Đây là tốc độ tăng các ca mắc mới ung thư vào loại nhanh nhất thế giới. Theo bác sĩ Trình, ở nam giới Việt Nam, ung thư phổi và gan chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là ung thư đại trực tràng, vòm họng, thực quản. Trong khi đó ở nữ giới, ung thư vú, phổi, gan, cổ tử cung... đứng đầu bảng trong 10 ung thư thường gặp. Đây cũng là những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu đối với cả hai giới. Tại một số nước như: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, tỉ lệ tử vong do ung thư lên tới 100/100.000 dân. Bác sĩ Trình cho biết ung thư là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước đã phát triển và đang phát triển.
Các chuyên gia ung thư cũng chỉ ra 7 loại ung thư có tác nhân do rượu. Đó là ung thư khoang miệng, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư hạ họng thanh quản. Đối với nam giới, các bệnh ung thư do bia rượu như: dạ dày, gan, thực quản, trực tràng chỉ đứng sau ung thư phổi. Cứ 100.000 nam giới có 40,2 người mắc ung thư gan; 23,7 người ung thư dạ dày; 11,5 người mắc ung thư đại trực tràng. Ở nữ giới, ung thư do bia rượu mang lại có ung thư vú và tính trong 100.000 phụ nữ thì có 30 phụ nữ bị ung thư vú. Bệnh này ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước kém phát triển. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tiêu thụ 50 g rượu/ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, nghiên cứu với 58.000 phụ nữ cũng cho thấy phụ nữ uống rượu 18 g/ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 1,5 lần so với phụ nữ không uống rượu.
Thủ phạm thúc đẩy hormone gây ung thư
Phân tích cơ chế gây ung thư của rượu, bác sĩ Trần Thanh Hương, Viện Nghiên cứu ung thư - Bệnh viện K, cho biết rượu chuyển hóa thành acetaldenhyde - một hóa chất gây ung thư. Khi vào cơ thể, dưới tác dụng của enzym alcohol dehydrogenase, rượu được ôxy hóa thành một chất gây tổn thương DNA. Việc uống rượu làm tăng acetaldenhyde trong nước bọt, làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên. Rượu cũng làm tăng hormone esretrogen, từ đó kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú dẫn tới ung thư vú. Cùng đó việc uống rượu thường xuyên cũng khiến tổn thương tế bào gan, dẫn tới ung thư gan. Bệnh gan do lạm dụng rượu bia đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và gây ra rất nhiều hệ lụy. Ba căn bệnh phổ biến nhất về gan do bia rượu là gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết WHO thống kê cứ 100 bệnh nhân chết do xơ gan thì 77% có sử dụng rượu bia. Khi sử dụng rượu bia 95% chất có cồn chuyển hóa qua gan trong đó có chất gây ung thư. Vì thế càng uống gan càng phải “lao động” nhiều và làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết theo kết quả điều tra việc sử dụng rượu bia năm 2015 ở Việt Nam có khoảng 77,3% nam giới và 11% nữ giới đang sử dụng rượu bia. Trong số này có 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới uống ở mức nguy hại, nghĩa là trong 30 ngày có ít nhất một lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên. Ông Bắc cho biết lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất cao. Hiếm có nước nào lại dễ dàng tiếp cận rượu bia như ở Việt Nam. Ai cũng mua được rượu bia kể cả một đứa trẻ. Rượu được bán ở khắp nơi và phổ biến ở các quán ăn, cửa hàng tạp hóa... “Cho đến nay, lợi ích của việc uống rượu là rất nhỏ nhưng tác hại vô cùng lớn. Do đó ai chưa uống rượu thì không nên thử vì rượu có nguy cơ gây lệ thuộc cho người sử dụng” - ông Bắc khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của WHO, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày. Một đơn vị rượu tương đương 2/3 chai bia 330 ml, với 1 cốc bia hơi, 1 cốc 100 ml vang hoặc 1 chén 30 ml rượu mạnh 40 độ.