Tại châu Á, 70% bệnh ung thư gan đều do viêm gan siêu vi B gây ra. Theo số liệu thống kê, ung thư gan xếp thứ ba trong nhóm ung thư gây tử vong cao, sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B cao trên thế giới. Hiện có 240 triệu người đang nhiễm virus viêm gan siêu vi B mạn tính. Hằng năm có 780.000 người tử vong vì hậu quả của viêm gan siêu vi B cấp tính.
Trong buổi thảo luận, BS Pedro đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về chức năng gan, triệu chứng cũng như cách chẩn đoán và điều trị ung thư gan. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc khám tầm soát nhằm phát hiện kịp thời bệnh. Nếu bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn đầu, khi đó phẫu thuật triệt để hoặc ghép gan sẽ mang lại kết quả tốt, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo ông Rafi Kot, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc FMP: “Ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn cuối, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị. Khi đó, tế bào ung thư đã lây lan qua các cơ quan khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tuổi thọ của người mắc bệnh”.
Điều đáng mừng là ung thư gan vẫn có thể phòng tránh bằng việc tiêm chủng vắc-xin và luyện tập lối sống lành mạnh. BS Pedro khuyến khích mọi người nên tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan siêu vi B mỗi 3 năm một lần, điều này có thể giúp phòng tránh 95% nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, mỗi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, luyện tập thể dục thể thao, quan hệ tình dục an toàn và không nên lạm dụng rượu bia để tăng cường đề kháng cho cơ thể và phòng tránh nhiễm bệnh.