Trang tin MNT dẫn một số nghiên cứu gần đây nêu ý kiến mới về chế độ ăn uống của thai phụ với yêu cầu cần thiết là cân bằng giữa protein, thực phẩm chứa nhiều tinh bột (carbohydrate), chất béo và đa dạng rau quả, đồng thời khuyến cáo một số thức ăn nên dùng và cần tránh cũng như tăng thể trọng phù hợp. Năng lượng hấp thu tăng thêm nhiều trong thời gian mang thai nhưng không có nghĩa là khẩu phần tăng gấp đôi cho cả mẹ và con.
Khuyến cáo cân bằng dinh dưỡng
Về cân nặng, theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ, đối với thai phụ có chỉ số thể hình (BMI) từ 18,5 đến 24,9 nên tăng cân trong khoảng từ 11,4-15,9 kg. Đối với phụ nữ đã dư cân, khi bắt đầu mang thai chỉ cần tăng thêm trong khoảng từ 6,8-11,4 kg. Tăng cân quá ít hay quá nhiều đều có thể gây hại cho mẹ và con.
Về dinh dưỡng, thai phụ nên ăn ít nhất 5 suất rau quả mỗi ngày, có thể dùng dạng khô hoặc đóng hộp nếu không có đủ thức ăn tươi. Các chuyên gia cũng lưu ý trái cây tươi tốt hơn nước ép. Cần dùng vừa phải thực phẩm giàu carbohydrate từ cơm, bánh mì, khoai… Những thực phẩm giàu protein được khuyến cáo là cá, thịt nạc, thịt gà và trứng. Thai phụ ăn chay nên chú ý dùng các sản phẩm từ đậu nành, một số loại đậu, hạt và rau quả giàu chất đạm khác. Đặc biệt, trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Brazil được công bố trên trên tạp chí PLOS ONE hồi năm 2013, thai phụ ăn nhiều thủy sản ít bị hội chứng lo âu hơn 53% so với những bà mẹ mang thai không dùng thủy sản. Chất béo tuy rất cần thiết nhưng chỉ nên đóng góp dưới 30% tổng số calo hằng ngày.

Tăng cân quá ít hay quá nhiều khi mang thai đều có thể gây hại cho mẹ và con Ảnh: USNEWS
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Illinois được công bố trên tờ Journal of Physiology cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm thay đổi biểu hiện gien ở gan của bào thai dẫn tới nguy cơ sản sinh nhiều glucose có thể gây kháng insulin sớm khi trưởng thành và khiến dễ sinh bệnh đái tháo đường. Chất béo nên dùng là thuộc dạng đơn không no thường có trong dầu ô liu, dầu phộng, dầu mè, dầu hướng dương và một số loại hạt. Nên hạn chế chất béo bão hòa dưới mức 10% tổng số calo mỗi ngày. Nhóm chuyên gia Mỹ thuộc ĐH Oregon nêu khả năng nguy cơ thai chết cao ở những thai phụ dùng nhiều chất béo với lý do dòng máu từ cơ thể mẹ chảy vào nhau thai bị hạn chế.
Tăng thêm 50% lượng sắt trong thai kỳ
Về các loại thực phẩm và thành phần cụ thể, Trung tâm Y tế San Francisco thuộc ĐH California khuyến cáo nên dùng nhiều rau quả, các loại hạt thô là dạng thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Phụ nữ thường bị táo bón và dễ có nguy cơ bệnh trĩ trong khi bào thai phát triển nên chất xơ giúp nhuận trường. Sữa và sản phẩm từ sữa cũng như thực phẩm giàu canxi cũng được khuyên dùng. Đối với người ăn chay có thể lựa chọn thức ăn từ đậu nành, cải bắp, bông cải, mù tạt... Nên dùng thức ăn chứa kẽm như thịt gà, cá, tôm, sò, trứng, củ hành, gừng, ngũ cốc và một số loại đậu.
Sắt là thành phần cần thiết để cung cấp ôxy cho cả mẹ và con nên lượng sắt cần tăng thêm 50% trong thai kỳ. Thiếu sắt khiến thai phụ mệt mỏi, yếu ớt và có thể bị trầm cảm trong thai kỳ cũng như dẫn tới nhiều nguy cơ như thai chết, sinh non, sinh con nhẹ cân và trẻ chết sau khi sinh.Trước khi mang thai nên cân nhắc dùng sắt ở mức khoảng 18 mg/ngày và tăng lên 28 mg ngày trong thai kỳ. Axít folic có thể được dùng với liều lượng 400 microgam trước khi mang thai hoặc 12 tuần đầu của thai kỳ. Kẽm và vitamin A cũng có thể được bổ sung. Vitamin A và viên đa vitamin liều cao được cảnh báo không nên dùng trừ phi thầy thuốc chỉ định là cần thiết.
Ngoài ra, các nhà khoa học cảnh báo nên hạn chế thức uống có cồn và cà phê cũng như thức uống chứa caffeine. Thai phụ cũng nên tránh những dạng thức ăn chưa chín kỹ do nguy cơ nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm. Vài nghiên cứu gần đây nêu mức độ thủy ngân cao trong cá có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Các chuyên gia cho rằng có thể bổ sung một số thành phần cần thiết khi mang thai nhưng nên coi trọng chỉ định của thầy thuốc hơn khuyến cáo chung. |
Trúc Lâm