Từ ngày 15-7-2020, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực. Để người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) hiểu rõ hơn những thay đổi này nhất là các quyền lợi, nghĩa vụ trong những quy định mới, Báo Người Lao Động sẽ đăng tải thông tin này.
Có lợi cho người lao động
Một trong số các quy định sửa đổi, bổ sung mới được NSDLĐ quan tâm là nội dung tại Khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP). Cụ thể, NSDLĐ gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động (LĐ) hiện có từ 30% hoặc từ 30 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng dưới 200 LĐ; từ 50 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng từ 200 LĐ đến 1.000 LĐ; từ 100 LĐ trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 1.000 LĐ, không kể LĐ giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.
Những trường hợp được coi là bất khả kháng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi NSDLĐ bị thiệt hại...
Nghị định số 61/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3, Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP về đóng BHTN. Theo đó, NLĐ được xác định là đang đóng BHTN theo quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp:
Một là, NLĐ đã đóng BHTN của tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) và được cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) xác nhận trên sổ BHXH. Hai là, NLĐ đã đóng BHTN của tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH. Ba là, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH. Bốn là, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH. Năm là, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLV từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM trước khi có dịch Covid-19
Thay đổi về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp
Nghị định số 61/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, tháng đóng BHTN của NLĐ được tính nếu NSDLĐ và NLĐ đã thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLV và đã đóng BHTN. Trường hợp NLĐ đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), sau khi chấm dứt hưởng TCTN mới được cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHTN, thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng TCTN theo quy định tại Khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm.
Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 16 quy định, bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV. Đối với trường hợp NLĐ không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền, thì thực hiện theo quy trình đó là: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc BHXH cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao độngkhông có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản trả lời cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH cấp tỉnh về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc.
Với trường hợp NLĐ tham gia BHTN theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm, thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.
Không có nhu cầu hưởng TCTN: Phải có đơn đề nghị
Nghị định 61/2020/NĐ-CP cũng bổ sung Khoản 4 Điều 17 của Nghị định 28 như sau: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN nếu NLĐ không có nhu cầu hưởng phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp đề nghị không hưởng TCTN cho Trung tâm DVVL nơi NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
1. Trung tâm DVVL TP HCM, số 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh. Điện thoại: 028.35147187.
2. Cơ sở 2 Củ Chi, số108 đường Phạm Thị Lòng (đường 458 cũ), ấp Thạnh An, xã Trung An, huyện Củ Chi. Điện thoại: 028.37975424
3. Chi nhánh BHTN quận 4, số 249 Tôn Đản, phường 15, quận 4. Điện thoại: 028.39415841.
4. Chi nhánh BHTN quận 6, số 743/34 Hồng Bàng, phường 6, quận 6. Điện thoại: 028.39600050.
5. Chi nhánh BHTN TP Thủ Đức, số 1 đường số 9, phường Phước Bình, TP Thủ Đức. Điện thoại: 028.37431373.
6. Chi nhánh BHTN quận 12, số 802 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Điện thoại: 028.37153288.
7. Chi nhánh BHTN quận Tân Bình, số 456 Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình. Điện thoại: 028.38426154 .