Trong suốt hơn hai tháng giãn cách, khắp TP HCM, những bếp ăn tình nguyện như chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười (thuộc quỹ từ thiện Bông Sen) vẫn tiếp tục kiên trì, dốc lòng thổi cơm giúp đỡ cộng đồng khốn khó, để đảm bảo không ai phải chịu đói trong giai đoạn khó khăn này.
"Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa"
Trời còn chưa sáng hẳn, trong gian bếp nhỏ của quán cơm xã hội Nụ Cười 6, cô Trần Thị Huệ (57 tuổi) cùng các đầu bếp đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm. Người thái rau, người bắc cơm, người kho thịt, từng nhiệm vụ như được phân công vô cùng rõ ràng.
Đúng 9 giờ, cả bếp ăn cùng một vài tình nguyện viên chăm chú phân chia thức ăn thành từng khẩu phần nhỏ, cho vào hộp đóng gói kỹ càng. Dẫu việc làm không tay nhưng khung cảnh diễn ra trong căn bếp vẫn rất trật tự, ai nấy đều đeo khẩu trang, bao tay để đảm bảo an toàn mùa dịch. Từ tay họ, những phần cơm miễn phí với đầy đủ thịt, rau, canh sẽ được trao đi, tiếp sức cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM đang gồng mình chống chọi với khó khăn từ đại dịch.
Các đầu bếp tại quán cơm xã hội Nụ Cười tất bật chuẩn bị những phần cơm thiện nguyện
Cô Trần Thị Huệ, phụ trách hoạt động chung của quán số 6 (thuộc Quỹ từ thiện Bông Sen), cho biết: "Từ lúc dịch bùng phát đến nay, bếp mở cửa liên tục chẳng nghỉ ngày nào. Mỗi buổi, quán cơm Nụ Cười đặt chỉ tiêu nấu được 500 - 600 suất ăn, gửi đến người lao động nghèo tại các khu vực bị bữa giờ tụi chị chuẩn bị là theo chương trình "Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa", Grab hỗ trợ kinh phí, cũng giúp được thêm nhiều người lắm em".
Những phần cơm miễn phí làm ấm lòng người nghèo khó tại TP HCM
Ngoài 11.500 bữa ăn miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà Grab dành tặng chương trình "Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa", đã có thêm 16.000 bữa ăn được người dùng Grab chung tay ủng hộ chỉ sau 12 ngày phát động chương trình. Từng phần cơm trao đi là thêm sức mạnh giúp mỗi người, dù trong khốn khó, có thể an tâm vượt qua mùa dịch. Nhờ nguồn lực từ doanh nghiệp, dù hoạt động có phần khó khăn trong thời điểm cách ly, những quán cơm xã hội Nụ Cười vẫn cố gắng duy trì, bếp lửa luôn được nhóm lên để người dân nghèo có thể tìm tới mọi lúc và để không ai phải ôm bụng đói qua ngày.
Ấm áp những mảnh tình người
Là thành viên trong đội ngũ tình nguyện tại quán cơm xã hội Nụ Cười, chú Nguyễn Thảo (68 tuổi, quê Nha Trang), kể lại những câu chuyện ấm lòng trong những ngày theo chương trình "Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa" đi phát cơm cho bà con nghèo.
"Bữa chú phát cơm, gặp mấy bà cụ trong hẻm, nhận được cơm họ mừng lắm. Nhiều người bảo "chú ơi từ hôm qua giờ tui chưa có gì trong bụng" đến khi cầm hộp cơm tay họ run run. Thành phố mấy nay khó khăn quá, người với người giúp được nhau thì mình cứ giúp", chú Thảo xúc động tâm sự.
Từng phần cơm từ chương trình "Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa" được chú Thảo, cô Huệ chuẩn bị kỹ lưỡng
Anh Đức Khoa (34 tuổi, quận Gò Vấp) - một tình nguyện viên của quán cơm Nụ Cười - kể lại, trong một lần đi phát cơm, cả nhóm tình cờ gặp được cụ bà đang ngồi co cụm ở một góc đường Bùi Đình Tuý. Khi được hỏi thăm, bà chia sẻ: "Bà bán vé số dạo ở gần đây, ở trọ có một mình thôi. Hơn hai tháng nay do dịch nên bà không bán được tờ vé số nào. Giờ có ai cho gì thì bà ăn đó." Thấy cụ bà lớn tuổi, hoàn cảnh lại túng thiếu, cả nhóm quyết định tặng bà hẳn 3 hộp cơm. Nhưng bà chỉ cười rồi xin lấy 1 phần vì "để dành cho người khác, sức già chẳng ăn được bao nhiêu".
Ngày TP HCM thắt chặt giãn cách, những phần ăn từ quán cơm Nụ cười được chuyển đến các khu cách ly, khu phong tỏa thông qua đơn vị tình nguyện của phường. Anh Thống Nhất (26 tuổi) - tình nguyện viên của phường Hiệp Bình Chánh cho biết: "Thực ra mình hỗ trợ khử khuẩn chống dịch cho bên y tế nhiều hơn, nhưng mỗi khi có thời gian là liền đi phụ anh em giao phần cơm 0 đồng đến những khu phong toả. Bà con nghèo ở trong đó cực lắm, nên họ cảm kích mỗi khi nhận cơm từ chương trình lắm. Mấy ngày này tuy mệt hơn nhưng giúp bà con không bỏ bữa là lại vui."
Anh Khoa cùng cô Huệ lặng lẽ chuẩn bị các phần cơm miễn phí cho người nghèo
Hằng ngày, những phần cơm miễn phí từ chương trình "Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa" vẫn đều đặn được chuyển đến tay người nghèo, người khó khăn trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như Grab, của quán cơm Nụ cười và các tình nguyện viên, cũng như sự chung tay đóng góp của toàn thể người dân chính là ngọn lửa lan tỏa tình người ấm áp, là "nguồn nhiên liệu" tiếp thêm sức mạnh để mạnh mẽ vượt qua đại dịch.