Phục hồi tốt nhờ nỗ lực thích ứng nhanh
Ngành dệt may đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn 2023 thừa nguồn cung trên thị trường quốc tế. Giá trị xuất khẩu ngành trong bốn tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2,5 tỉ đô la, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Nắm bắt được các nhu cầu phát triển của ngành, Techcombank đã kết nối cùng Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp tổ chức hội thảo "Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Dệt may 2024" với sự tham dự của hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chuyên gia phân tích kinh tế và thị trường tài chính, Ngân hàng Techcombank, cho rằng: Lĩnh vực may mặc cùng kỳ năm nay tăng trưởng 9%, trong bối cảnh năm ngoái tăng trưởng âm 31%. "Giá trị xuất khẩu từng mặt hàng trong nhóm may mặc đều có sự cải thiện rõ ràng, dù chưa quay lại thời điểm năm 2022", ông Tùng đánh giá.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), nhiều doanh nghiệp dệt may đã có giải pháp thích ứng rất nhanh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm. "Nếu trước dịch Covid-19 chúng ta chỉ có xuất khẩu 56 thị trường, thì từ giai đoạn dịch bệnh đến nay mở rộng lên 105 thị trường toàn cầu vào năm 2023", ông Giang nêu điểm tích cực.
Trong dài hạn, dệt may Việt Nam đưa ra chiến lược quan trọng là làm sao giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu bên ngoài, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp bám sát với phát triển xanh, bền vững, minh bạch trong quản trị số; được cụ thể hóa bằng các chính sách lao động, quản lý và tiết kiệm năng lượng, từ đó mới có thể đạt chuẩn mực yêu cầu của các nhà nhập khẩu quốc tế.
Tuy nhiên, trên hành trình thích ứng này, ngành dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức không nhỏ.
Chuyên gia Techcombank cho rằng, áp lực tỉ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt vào cuối năm, nhưng cần quan sát thêm lạm phát, giá dầu, đặc biệt rủi ro đáng lo ngại nhất là câu chuyện địa chính trị. Còn với thương mại hàng hóa, WTO dự báo tiếp tục cải thiện nhẹ, nhưng phần nhiều sẽ ở năm 2025.
Cơ hội cho phát hành "trái phiếu xanh"
Nhưng không chỉ biến số kinh tế, thách thức mang tính vĩ mô còn đến từ câu chuyện của ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong ngành dệt may đã đưa ra những nhận định và đánh giá các ảnh hưởng của các quy định ESG nghiêm ngặt của các quốc gia lớn như Mỹ và khối liên minh châu Âu đến ngành dệt may Việt Nam, đồng thời chia sẻ lộ trình chuẩn bị để tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong ngành thông qua đầu tư vào xanh hóa chuỗi giá trị.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận tư vấn quản trị doanh nghiệp, Bộ phận chiến lược khách hàng và chuỗi cung ứng, KPMG, chuỗi cung ứng ngành dệt may rất phức tạp vì đi qua nhiều nhà cung cấp, từ đó gây ra khó khăn trong việc xây dựng chiến lược bền vững.
Thách thức của doanh nghiệp là phải tuân thủ theo các quy định mới đến từ nhiều thị trường khác nhau. Chẳng hạn như Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp (CSDDD), đồng nghĩa với việc các thương hiệu lớn từ Mỹ và châu Âu sẽ thẩm định nhà cung cấp Việt Nam, xem dữ liệu quản lý như thế nào, hoạt động quản lý nhà cung cấp, chất thải, năng lượng…
Đại diện VITAS cũng đề nghị các ngân hàng nên xem xét, thẩm định các dự án đầu tư liên quan đến khâu tự động hóa của ngành, có các chính sách cho vay tương tự như trái phiếu xanh, cùng chia sẻ đồng hành với doanh nghiệp.
Một cơ sở để các ngân hàng có thể đặt niềm tin là quy mô xuất khẩu của ngành dệt may đến 2035 của Việt Nam có thể lên đến 100 tỉ đô la, trong bối cảnh nền kinh mở cửa toàn cầu có lao động kỹ năng cao, chất lượng ổn định và thích ứng nhanh. Ông Vũ Đức Giang cho rằng sự thành công của ngành dệt may không thể thiếu sự đồng hành hỗ trợ từ phía các ngân hàng. Đây là mối quan hệ "win-win" đối với cả hai bên.
Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may, Techcombank đã đưa ra các giải pháp về vốn, số hóa quản trị nguồn vốn và thanh khoản để tối ưu hóa chi phí tài chính cũng như cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế của Mỹ, châu Âu và Việt Nam giúp doanh nghiệp chủ động đưa ra kế hoạch, các quyết sách để quản trị các rủi ro về tỉ giá, lãi suất.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch toàn cầu, Techcombank, đánh giá dệt may cũng giống như nông sản, vốn có nhiều rủi ro liên quan trong quan hệ thương mại. Trong bối cảnh này, ngân hàng phát triển thêm các dịch vụ đặc thù cho lĩnh vực dệt may, bên cạnh các giải pháp truyền thống của ngân hàng như tài trợ vốn, tài trợ thương mại, thanh toán lương…
Chẳng hạn như "C-Cash", giải pháp giúp quản trị dòng tiền và vốn lưu động, thanh khoản dành riêng ngành dệt may. "Việc quản lý tốt sẽ giúp hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh", ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngân hàng có đội ngũ nhân viên tư vấn đặc biệt, cùng với các đối tác bên ngoài khác, sẽ cùng hỗ trợ khách hàng các thông tin liên quan đến việc quản lý rủi ro tỷ giá, thanh toán, lãi suất… là những rủi ro doanh nghiệp luôn băn khoăn, vốn thay đổi rất nhanh trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay.
Ở góc nhìn này, ông Vũ Đức Giang bổ sung thêm rằng bài toán thông tin thị trường là rất quan trọng. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đầu tư cho các chứng chỉ, chứng nhận, nhưng điều quan trọng là cuối cùng nhãn hàng có mua hàng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hay không.
Còn đối với mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, ông Phan Thanh Sơn cho biết ngân hàng hiện đang phát hành trái phiếu xanh, tìm kiếm các dự án liên quan đến ESG và dùng nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi.
Để tăng cường sự chia sẻ và kết nối, trong thời gian tới Techcombank sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đối tác và các chuyên gia trong, ngoài nước mang đến những thông thị trường chuyên sâu dành cho nhóm Khách hàng doanh nghiệp theo từng lĩnh vực kinh tế giúp cho các doanh nghiệp tăng sức mạnh - nâng vị thế.
"Techcombank luôn đồng hành để cùng doanh nghiệp hỗ trợ kinh doanh, cũng như áp dụng tiêu chuẩn cấp bách mà bạn hàng yêu cầu hay các tiêu chuẩn ESG trong dài hạn. Ngân hàng sẽ tập trung phát triển giải pháp đặc thù", ông Phan Thanh Sơn nói.