Giao thông xanh - Tiện ích số
Hơn 2 tháng kể từ thời điểm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại TP HCM chính thức vận hành thương mại, phương tiện công cộng này đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân TP HCM.
Nhà ở gần Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) cũng là ga đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nên từ ngày có metro, anh Ngọc Mạnh (nhân viên làm việc tại quận 3) cho biết đã xem metro là "bạn thân thiết" mỗi ngày.
Trước đây, mỗi ngày anh phải chạy xe máy từ 50 phút đến 1 tiếng đồng hồ để di chuyển cự ly 20 km dưới cái nắng, mưa, kẹt xe… lên cơ quan làm việc. Giờ, chỉ mất 30 phút là anh đã có thể di chuyển từ Suối Tiên đến ga Bến Thành. Dù vậy, tuyến Metro số 1 vẫn chưa thực sự tối ưu trong việc phải xếp hàng mua vé hay soát vé nhất là trong giờ cao điểm.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến giao thông thông minh, nhu cầu về một phương thức thanh toán tích hợp nhanh chóng, tiện lợi và an toàn là điều tất yếu để bắt kịp với các nước phát triển trong thanh toán không tiếp xúc giao thông công cộng.
Thuận tiện khi vé lượt thay bằng "Thẻ vé" ngân hàng
Trước xu hướng thanh toán không tiền mặt đặc biệt là thanh toán thẻ trong mọi mặt đời sống của người dân, ngày 14-2 vừa qua, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (HURC1) và 25 ngân hàng trong hệ thống NAPAS triển khai thanh toán thẻ NAPAS trên tuyến metro ở TP HCM.
Theo đó, hành khách không cần phải xếp hàng mua vé giấy hoặc nạp tiền vào thẻ vé riêng, mà có thể sử dụng thẻ NAPAS (chiếc thẻ quốc dân mà nhiều người vẫn quen gọi là "thẻ ATM" hoặc "thẻ nội địa", "thẻ ngân hàng") để thay cho vé lượt tại cổng kiểm soát.
Metro là tuyến đầu tiên cho phép sử dụng thẻ Ngân hàng thay thế cho thẻ vé. Người dân chỉ cần chạm thẻ NAPAS lên thiết bị kiểm soát tại cổng vào (tap-in) và sau khi kết thúc hành trình tại cổng ra (tap-out), giao dịch thanh toán cho chuyến đi sẽ được hoàn tất. Hình thức thanh toán này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại nhiều lợi ích như giảm tiếp xúc với tiền mặt, hạn chế rủi ro mất cắp và góp phần xây dựng một hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
Đây được xem là bước tiến trong quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở các phương tiện giao thông công cộng trong việc chuyển đổi hệ thống từ cơ chế đóng (Close-loop) sang cơ chế mở (Open-loop). Dịch vụ cho phép khách hàng thanh toán phí giao thông công cộng trực tiếp bằng thẻ Ngân hàng, với đa dạng các phương tiện di chuyển từ bus, metro... mà không cần sử dụng nhiều thẻ vé chuyên biệt khác nhau.
Mô hình thanh toán giao thông mở cũng góp phần giảm bớt chi phí vận hành của các Đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Thay vì phải phát triển và duy trì hệ thống phát hành thẻ vé riêng, các hệ thống phụ trợ để xử lý việc nạp/rút tiền, các Đơn vị này có thể tận dụng ngay thẻ Ngân hàng để sử dụng thanh toán cho các dịch vụ giao thông công cộng.
Việc đưa thanh toán không tiền mặt bằng thẻ NAPAS trở thành một trong những phương thức thanh toán trên tuyến Metro số 1 không chỉ giúp người dân TP HCM di chuyển thuận tiện hơn mà còn đánh dấu một bước tiến trong xu hướng giao thông thông minh. Chỉ với một cú chạm, hành trình di chuyển đã trở nên đơn giản, nhanh chóng và hiện đại hơn bao giờ hết.
Xu hướng tích hợp thẻ phi vật lý lên thanh toán trên điện thoại sẽ mang đến những tiện ích đáng kể, người dân có thể sử dụng điện thoại di động để thực hiện giao dịch một cách thuận tiện. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, sự hợp tác giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính và đơn vị vận hành giao thông sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đến đông đảo người dân.
Bình luận