Quyết định được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh ký ngày 10-4, có hiệu lực sau 60 ngày ban hành. Theo đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate không được phép sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng tối đa 1 năm kể từ khi quyết định có hiệu lực. Như vậy, đến khoảng tháng 6-2020, thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate của các công ty đã đăng ký không còn được phép lưu thông trên thị trường.
Trước đó, ngày 12-4-2016, Cục Bảo vệ thực vật đã tạm dừng đăng ký mới đối với tất cả sản phẩm có chứa chất Glyphosate, đồng thời tiếp tục rà soát và thu thập thông tin, bằng chứng khoa học liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái.
Có 54 hoạt chất diệt cỏ an toàn, hiệu quả có thể thay thế Glyphosate - Ảnh: NLĐ
Glyphosate là hoạt chất có tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao, được phép sử dụng tại Việt Nam từ năm 1994 nhưng mức độ độc hại cũng nhiều lần được cảnh báo. Tại Việt Nam, tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người sử dụng và người tiêu dùng.
Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC (International Agency for Research on Cancer) thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate có nguy cơ cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến.
Nhà sản xuất hoạt chất Glyphosate là Tập đoàn Monsanto đang đối mặt với hơn 11.200 đơn kiện khắp nơi trên thế giới vì cho rằng sản phẩm gây ung thư. Tại Mỹ, Monsanto đã bị tòa tuyên phải bồi thường cho 2 nguyên đơn do sản xuất thuốc diệt cỏ gây ung thư.
Trên thế giới, hiện nay có hơn 40 nước, bang trên thế giới có động thái mạnh mẽ trong việc ban hành các quy định pháp lý nhằm điều chỉnh quản lý việc sử dụng Glyphosate: từ không tiếp tục gia hạn; hạn chế sử dụng; cấm sử dụng theo mục đích phi nông nghiệp hoặc từng khu vực đến cấm sử dụng hoàn toàn thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate.
Theo thống kê, hiện Việt Nam còn 5 triệu lít thành phẩm thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate. Như vậy, số thuốc này chỉ còn chưa tới 14 tháng để tiêu thụ hết. Việc cấm thuốc bảo vệ thực vật nhưng không cấm ngay mà đưa ra lộ trình được Cục Bảo vệ thực vật giải thích là theo thông lệ quốc tế và Luật thương mại WTO.
Hiện Việt Nam có 54 hoạt chất trừ cỏ khác hiệu quả và an toàn để thay thế Glyphosate. Ngoài ra, với quan điểm quản lý cỏ dại chứ không diệt trừ để bảo vệ tài nguyên đất và phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Chỉ áp dụng biện pháp dùng thuốc hóa học để phòng trừ các loại cỏ có cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng một cách khoa học, đúng cách.