Công ty CP chế biến Gỗ Thuận An (viết tắt TAC) được góp vốn bởi 10 doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và đi vào hoạt động vào năm 2002.
Đây là đơn vị chế biến gỗ trực thuộc VRG đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty đại chúng với cột mốc năm 2007, Gỗ Thuận An niêm yết cổ phiếu lên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã chứng khoán là GTA.
Hiện nay, công ty có 2 nhà máy tại Thuận An (Bình Dương) và Chơn Thành (Bình Phước) với chức năng nhiệm vụ như: sơ chế gỗ, sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng (giường, tủ, bàn, ghế các loại, …); mua bán gỗ các loại; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu gỗ cao su và các loại gỗ khác cung cấp cho xuất khẩu và thị trường nội địa.
Trong đó, hơn 95% doanh số của Gỗ Thuận An đến từ xuất khẩu với các thị trường chính và truyền thống là Mỹ, Úc, Anh là 3 thị trường khó tính nhưng tính ổn định cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm đạt 10,2 tỉ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy sự phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành nhận thấy sự khởi sắc vẫn chưa bền vững, các khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi.
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực
Gỗ Thuận An hiện đang có 533 lao động, thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm đạt 9,572 triệu đồng/người/tháng, đạt 108,77% kế hoạch. Công ty thường xuyên tổ chức đối thoại để nắm rõ và kịp thời tâm tư của người lao động nhằm có biện pháp ổn định tâm lý giúp người lao động yên tâm sản xuất. Cải thiện hơn nữa công tác an toàn, vệ sinh và môi trường làm việc, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.
Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Gỗ Thuận An, nêu các lý do như: thị trường đầu ra chậm, nhà nhập khẩu mua về chủ yếu lưu kho, giá xuất khẩu thấp trong khi nguyên vật liệu lại tăng, cước vận chuyển tăng.
"Các nhà nhập khẩu đang chuyển sang đặt hàng giao nhanh trong vòng 50-60 ngày trong khi trước đó khoảng 90 ngày nên doanh nghiệp dù có tăng ca nhưng chưa chưa đầy công suất. Từ giờ đến cuối năm, công ty tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm khách hàng để đạt kế hoạch đề ra trong năm 2024" – bà Xuyến chia sẻ.
Giữa bối cảnh ngành chế biến gỗ vẫn còn nhiều khó khăn nước 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Gỗ Thuận An ước đạt 161,8 tỉ đồng đạt 59,2% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế: 5,513 tỉ đồng đạt 51,5% kế hoạch năm. Từ nay đến cuối năm, công ty cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành tốt kế hoạch năm với các chỉ tiêu chính như: doanh thu 273,5 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế 10,7 tỉ đồng.
Về định hướng lâu dài, Tổng giám đốc Gỗ Thuận An cho biết sẽ triển khai đồng thời các giải pháp.
Trong đó, sẽ xây dựng chiến lược nghiên cứu dòng sản phẩm lắp ráp theo xu hướng thương mại điện tử hiện nay trên toàn cầu. Bởi hiện tại, các sản phẩm đồ gỗ trang trí nội thất còn cồng kềnh, chưa phù hợp bán hàng qua thương mại điện tử.
Công ty cũng quan tâm công tác tự thiết kế sản phẩm nhằm chủ động tìm kiếm khách hàng, đơn hàng có giá trị kinh tế cao vì hiện tại ngành gỗ chủ lực vẫn là sản xuất theo đơn đặt hàng, thiết kế từ đối tác.
Gỗ Thuận An triển khai nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm thông minh, đáp ứng theo công năng sử dụng ngày càng cao của khách hàng phù hợp với xu hướng ngôi nhà thông minh đang thịnh hành. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất, bán hàng và phát triển sản phẩm; ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu sản phẩm với khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty thực hiện các nhóm giải pháp nhằm tiết giảm chi phí như: quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý tốt định mức tiêu hao nguyên vật liệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tái đầu tư và đầu tư mới máy móc thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ sản xuất, trên tinh thần giảm bớt công việc thủ công tốn nhiều sức lực, góp phần tăng năng suất lao động.
Ngành gỗ còn nhiều khó khăn
VRG hiện có 14 nhà máy chế biến gỗ (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) với công suất 1.092.820 m3/năm. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng gỗ các công ty đạt đạt 545.113 m3; doanh thu đạt khoảng 2.649 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 46 tỉ đồng. Hoạt động của các công ty gỗ nửa tháng đầu năm bị đánh giá là vẫn khó khăn do nhu cầu tiêu dùng của các đối tác, thị trường lớn chưa hồi phục.