Thu nhập của dược sĩ khá tốt nên đã có rất nhiều người đổ vào đăng ký học ngành dược, khiến cho ngành này trở thành ngành "hot" những năm gần đây. Kết quả tuyển sinh những năm gần đây của những trường đào tạo khối ngành sức khỏe hay trường đại học (ĐH) có đào tạo ngành dược luôn ở mức tốt nhất, điểm xét tuyển cao ngất ngưởng.
Yêu cầu tính kiên trì của người học
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên là chuyên viên tuyển sinh, cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM, học dược không khó nhưng nghề này đòi hỏi người học phải có tính kiên trì, nhẫn nại vì đây là nghề nghiệp đòi hỏi tính chính xác cao nhằm giảm thiểu sai sót. Nhầm lẫn là điều cấm kỵ trong nghề dược, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân dược sĩ mà còn gây nguy hiểm cho người bệnh, dẫn tới hậu quả khó lường khi thuốc được bán đến người tiêu dùng.
Mục tiêu của các trường là đào tạo dược sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức vững chắc về khoa học cơ bản, công nghệ cao, có khả năng làm việc trong lĩnh vực dược một cách chuyên nghiệp, có tầm nhìn và năng lực sáng tạo, có khả năng hội nhập tốt. Tại các trường ĐH đào tạo ngành dược, ngoài kiến thức cốt lõi về khoa học cơ bản và dược học cơ sở, sinh viên ngành dược được đào tạo về khoa học công nghệ y dược hiện đại bao gồm cả sinh học phân tử, công nghệ nano, tin sinh học, dược động học… để tiếp cận và tham gia sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ y dược tiên tiến hiện nay cũng như hiểu biết đầy đủ quá trình chuyển hóa thuốc trong cơ thể, những phản ứng bất lợi của thuốc, tương tác qua lại giữa các loại thuốc, công thức phối hợp thuốc để tạo hiệu quả chữa bệnh tối ưu và an toàn cho người dùng,...
Dược sĩ không chỉ là một chuyên gia về thuốc mà còn là chuyên gia về các xét nghiệm sinh hóa lâm sàng Ảnh: T.Giang
Bên cạnh đó, sinh viên ngành dược còn được cung cấp đủ kiến thức về các bệnh gây ra do thuốc, chăm sóc dược lâm sàng, điều trị học và các chế độ dinh dưỡng trong điều trị... để khi tốt nghiệp có khả năng thực hành vững vàng trong các lĩnh vực của dược học như đánh giá bệnh nhân ở mức độ cơ bản, tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, lập kế hoạch chăm sóc người bệnh theo đơn thuốc an toàn, hiệu quả, sản xuất và phân phối thuốc, kiểm nghiệm, quản lý nhà nước về ngành dược. Song song đó, sinh viên ngành dược của trường còn được rèn luyện những kỹ năng cơ bản, kỹ năng mềm cần thiết để có thể trình bày, tổ chức thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực y tế, dược học cũng như kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích tài liệu.
Không chỉ là chuyên gia về thuốc…
Dược học là môn khoa học nghiên cứu về thuốc trên 2 lĩnh vực chính gồm quá trình nghiên cứu mối liên quan giữa thuốc và cơ thể; cách vận dụng thuốc trong điều trị bệnh. Dược học được phân thành nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, sản xuất, lưu thông phân phối, bảo đảm chất lượng, quản lý dược, hướng dẫn sử dụng thuốc cho mọi người. Đây là ngành học dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau nhưng chủ yếu và cơ bản nhất là hóa học và sinh học.
Theo các chuyên gia về đào tạo, dược sĩ không chỉ là một chuyên gia về thuốc mà còn là chuyên gia về các xét nghiệm sinh hóa lâm sàng hay còn gọi là dược sĩ lâm sàng khi tham gia vào quyết định dùng thuốc ở các trường hợp đặc biệt trong khi được mời tham gia hội đồng tư vấn thuốc và điều trị. Chính vì vậy đào tạo dược sĩ phải gắn với hệ thống bệnh viện để chuẩn hóa đầu ra cho dược sĩ.
Có rất nhiều người có suy nghĩ đơn giản là học dược ra chỉ để làm việc tại các nhà thuốc tư nhân - tư vấn về sử dụng thuốc và sức khỏe cho cộng đồng dân cư nơi nhà thuốc hoạt động. Thực ra, sau khi tốt nghiệp, dược sĩ có rất nhiều lựa chọn công việc. Cụ thể, có thể làm trình dược viên tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh như bệnh viện, trung tâm y tế, hay làm cho các công ty sản xuất hoặc nhập khẩu dược phẩm và các chế phẩm y tế. Ngoài ra có thể làm nhân viên marketing giới thiệu thuốc mới hoặc cơ sở quản lý dược, kiểm tra chất lượng thuốc (kiểm nghiệm thuốc), nghiên cứu thuốc mới...