Theo các chuyên gia, công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Cụ thể, các sản phẩm của ngành công nghệ sinh học được ứng dụng trong đời sống như: sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường...
Cần nhiều tố chất ở người làm việc
Công nghệ sinh học đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y học, dịch vụ, du lịch...nhằm phục vụ cho mọi như cầu của cuộc sống như dinh dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe... Bằng những kiến thức sinh học về thực vật, động vật, nấm, vi khuẩn,... và sử dụng "công nghệ DNA tái tổ hợp" những nhà khoa học đang cố gắng tạo ra những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm phục vụ cho việc chữa bệnh cho con người...
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học, để có thể học tốt hoặc đi sâu vào nghiên cứu ngành này, đòi hỏi thí sinh hội tụ rất nhiều
yếu tố.
Điều đầu tiên là đam mê khoa học và sáng tạo. Bên cạnh đó học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là sinh học, hóa học và vật lý. Những kiến thức vững chắc về các môn này sẽ là nền tảng tốt để sinh viên có thể tiếp thu các kiến thức phức tạp của ngành công nghệ sinh học.
Ngoài ra, sự cẩn trọng, tỉ mỉ luôn là một tố chất quan trọng cho người làm công nghệ sinh học. Do phải làm việc nhiều trong phòng thí nghiệm với những chi tiết nhỏ li ti hay những quá trình phải tuân thủ nghiêm ngặt nên nếu không cẩn thận trong những chi tiết, quá trình đó thì khó mà hoàn thành được kết quả.
Công nghệ sinh học đang ứng dụng mạnh mẽ trong nông nghiệp
Thiếu nhân lực trình độ cao
Ngành công nghệ sinh học được nhà nước đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển đến năm 2020. Nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo cũng như hàng loạt cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã được hình thành trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện đang thiếu nên triển vọng nghề nghiệp dành cho người theo học ngành công nghệ sinh học là rất lớn.
Hiện tại, ngành công nghệ sinh học đang được nhiều trường ĐH như ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), ĐH Nông lâm TP HCM, ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành... đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ hội nghề nghiệp bao gồm các công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở các trường ĐH, các cơ quan pháp y, các trung tâm và viện nghiên cứu, các công ty, xí nghiệp, cơ sở, nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học; tính toán, thiết kế, xây dựng quy trình sản xuất cũng như quản lý, điều hành và kiểm soát quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học ở các quy mô khác nhau; xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường sống... Cơ hội việc làm bao gồm cả các công ty nước ngoài chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân chuyên môn.
Ngành học này đã và đang ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngành công nghệ sinh học đã được ưu tiên đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và những kế hoạch mang tính ứng dụng. Tuy nhiên, ngành học này làm việc trên các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chỉ có ở các cơ sở nghiên cứu, các công ty lớn tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, phần đông sinh viên tốt nghiệp hiện tại chỉ tập trung ở thành phố, ở các tỉnh không phát huy hết khả năng ngành nghề được đào tạo do thiếu trang thiết bị. Đây là lý do đầu ra phần nào gặp khó khăn.