Tiếng sáo cất lên một làn điệu quan họ làm ban giám khảo và khách mời tại buổi thuyết trình dự án tham gia Vincamp 2016 xôn xao. Thiếu niên mảnh khảnh mang tới tiếng sáo da diết đó là Nguyễn Trọng Huy, học sinh lớp 10A1 Trường PTCL Vinschool Hà Nội. “Em muốn dùng tiếng sáo của mình và các loại nhạc cụ khác nữa để đưa giai điệu quan họ vượt qua rào cản ngôn ngữ tới các nơi trên thế giới, đưa các nền văn hóa xích gần nhau hơn” - Huy chia sẻ về dự án “Quảng bá và Kết nối đam mê dân ca quan họ - Văn hóa Việt Nam - Di sản thế giới”.
Không chỉ học chăm văn hóa, ngoài giờ học trên lớp, Huy thường dành thời gian cho dàn hợp xướng Vinschool One ở trường và các hoạt động xã hội khác. Huy là 1 trong 10 học sinh của Việt Nam được tham gia Liên hoan Thiếu nhi ASEAN 2016 (ASEAN Children Festival), đồng thời là thành viên ban giám khảo vòng chung kết chương trình Đại sứ Hy vọng Việt Nam 2016. Với triết lý giáo dục toàn diện, các học sinh Vinschool đều được khuyến khích trở thành các “Vinser hành động”, không chỉ mơ ước mà còn rất quyết liệt trong hành động, luôn biết cách biến ước mơ thành hiện thực.
Nguyễn Hữu Quang Trung, học sinh lớp 6A3, cũng là một “Vinser hành động” như vậy. Trung là tình nguyện viên đã tham gia các hoạt động của Giờ Trái đất 2015, dán 50 poster tuyên truyền, phát 100 tờ rơi và vận động 20 cửa hàng, doanh nghiệp hưởng ứng cam kết tắt đèn. Liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015, Trung còn là chủ cửa hàng “Biệt đội Chima” trong Hội chợ từ thiện Vì trẻ em vùng cao. Ở Vincamp, em là chủ nhân của ý tưởng về “Love Breakfast” (Bữa sáng Yêu thương), theo đó, các bạn học sinh sẽ chủ động chuẩn bị bữa ăn sáng cho bố mẹ để bày tỏ lòng biết ơn với bậc sinh thành và phát huy truyền thống hiếu thảo của người Việt. Trung và nhóm bạn nhỏ của mình đã tiến hành đạp xe cổ động cho ý tưởng này và đã lập website để chia sẻ 10 công thức làm bữa sáng dễ nấu và đủ dinh dưỡng cho bố mẹ.
Những ý tưởng giản dị mà sâu sắc như vậy đã làm các giám khảo như nhà sử học Dương Trung Quốc, giám đốc nghệ thuật Đặng Châu Anh, nghệ sĩ piano từ Hollywood Châu Giang, CEO trẻ tuổi Lê Hoàng Uyên Vy... vừa bất ngờ vừa thích thú.
Có tham dự những buổi thuyết trình của Vinser trong chuỗi hoạt động Vincamp 2016 mới thấy cá tính, tư duy “tuổi nhỏ, nghĩ lớn” và đặc biệt là những hành động thiết thực được đề cao thế nào tại Vinschool. Những dự án như “Thiết kế thư viện về truyền thống và lịch sử Việt Nam tại Vinschool”, “Trái vải Việt đến với thế giới - Tại sao không?”, “Lập câu lạc bộ vẽ tranh và biên dịch tiếng Anh cho những câu chuyện cổ tích của Việt Nam”, “Trải nghiệm nghề sớm”, “Quảng bá ẩm thực đường phố Việt Nam”... đều đã được các em bước đầu hiện thực hóa.
Bám sát chủ đề của cuộc thi “Tự hào Việt Nam - Hội nhập thế giới”, các ứng viên khai thác nhiều khía cạnh phong phú và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam từ âm nhạc cổ truyền, món ăn truyền thống, danh lam thắng cảnh đến phẩm chất con người Việt Nam. Vincamp 2016 là cơ hội để các em thể hiện nhận thức về truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó tạo dựng niềm tự hào và mong muốn được quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Trại hè ở Mỹ chính là cơ hội giúp các em hiện thực hóa ý tưởng của mình, đóng vai trò là những đại sứ Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Chương trình Vincamp là trại hè thường niên được phát động bởi Vinschool, thành viên Tập đoàn Vingroup. Với chủ đề “Tự hào Việt Nam - Hội nhập thế giới”, Vincamp 2016 yêu cầu các ứng viên độ tuổi từ 10-17 thể hiện ý tưởng truyền tải và quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam. Các ứng viên cần thể hiện được khả năng thuyết phục, tư duy phản biện, sự tự tin và khả năng ngôn ngữ để có cơ hội trở thành 1 trong 30 học sinh tham gia Vincamp 2016 tại Mỹ.