Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế - tài chính, Hội doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề trên địa bàn thành phố. Hội thảo lần này là diễn đàn để trao đổi thảo luận các giải pháp làm thế nào ngân hàng vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm, vừa đảm bảo an toàn hệ thống; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành trọng điểm, rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó tăng trưởng tín dụng".
Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết tại hội thảo: "Triển khai chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Agribank đã giảm lãi suất trực tiếp đối với 440.000 tỉ đồng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỉ đồng cho 1,7 triệu khách hàng".
Từ đầu năm đến nay, Agribank liên tục triển khai 8 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và tiêu dùng cá nhân với quy mô gần 200.000 tỉ đồng, mức lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Đặc biệt, đối với khách hàng doanh nghiệp, Agribank triển khai 5 chương trình với quy mô 165.000 tỉ đồng. Trong các chương trình ưu đãi của ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng tại 4 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 145.000 tỉ đồng, mức lãi suất được hỗ trợ tối đa 2%.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản vượt qua khó khăn, Agribank tham gia với quy mô 3.000 tỉ đồng. Đến ngày 31-10-2023, doanh số cho vay đạt gần 2.400 tỉ đồng với hơn 1.800 khách hàng.
Agribank cũng đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Theo đó, phê duyệt cấp tín dụng 4 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt là gần 2.000 tỉ đồng; các chi nhánh Agribank đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền cấp tín dụng dự kiến gần 12.000 tỉ đồng.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, Agribank cũng triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Kết quả, đến ngày 31-10-2023, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, đã và đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, đến nay đã thực hiện hỗ trợ lãi suất với gần 10.000 lượt giải ngân, với doanh số cho vay đạt trên 14.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban chính sách tín dụng Agribank khẳng định, Ngân hàng luôn đồng hành cùng khách hàng, nỗ lực cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với khách hàng, doanh nghiệp, các cấp, các ngành để kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng và khách hàng nói chung, góp phần tăng trưởng tín dụng an toàn, ổn định.