Những người cao tuổi ở Long Sơn vẫn để râu dài, tóc búi tó, mặc bà ba đen, đi chân trần và cuộc sống vẫn giữ những nét bình dị đậm chất Nam Bộ xưa. Ảnh: Hoài Ân.
Cư dân xã đảo Long Sơn là những người theo đạo ông Trần, do ông Lê Văn Mưu, người có công khai khẩn và tạo dựng nên vùng đất Long Sơn đầu thế kỷ 20 sáng lập. Đương thời, ông Trần quan niệm "sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách" - lúc sống thì mọi người cùng làm việc, ngủ chung, ăn chung, do vậy đến khi chết cũng phải dùng chung một cái Ba quan... Lễ tục đặc biệt này được những cư dân trên đảo thực thi cho đến ngày nay.
Ba quan là một cỗ quan tài giả để đặt xác chết. Nó được đặt trang trọng trong khu nhà thờ có tên Nhà Lớn Long Sơn trên đảo. Bà Quản Thị Thanh (75 tuổi) cho biết, khi gia đình có người qua đời, người thân phải vào Nhà Lớn cúng lễ, xin thỉnh Ba quan về khâm liệm.
Người qua đời được tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới, quấn các lớp vải, chiếu và đặt vào Ba quan. Khi đưa tới huyệt mộ, người ta gỡ Ba quan ra, đưa lại về Nhà Lớn để những người sau dùng.
"Việc chôn cất không dùng quan tài là để mau tiêu hủy, chóng siêu thoát, ít tốn kém cho người còn sống", bà Thanh cho hay. Những người từ 12 tuổi trở lên sẽ được nằm trong chiếc Ba quan này khi về khuất núi.
Nhà Lớn Long Sơn được ông Trần bắt tay xây dựng từ năm 1910, là quần thể kiến trúc thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh được làm bằng các loại gỗ quý. Nơi đây vẫn còn nguyên vẹn và được công nhận di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1991. Ảnh: Nguyễn Khoa.
Người chết ở đây được chôn cất trong vòng 24 giờ và không coi ngày, giờ mà xả tang ngay tại huyệt mộ. Người thân không làm cỗ đãi khách, không kèn trống, múa hát. Người đến viếng thắp hương cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát chứ gia chủ không nhận tiền phúng điếu.
Ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Vũng Tàu, cho rằng những lễ tục mà những cư dân Long Sơn duy trì từ xưa đến nay có nhiều ưu điểm. Đặc biệt là đám tang để thời gian ngắn, không ma chay linh đình, không rải vàng mã.
"Tuy nhiên, việc dùng chung một chiếc quan tài không được kín, nếu người qua đời vì bệnh tật rất dễ truyền nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường", ông Việt nói và cho biết sắp tới sẽ đề xuất ngành y tế và vận động người dân có phương án mai táng đảm bảo môi trường nhưng vẫn tôn trọng lễ tục.