Là cụm kim tự tháp Giza đầy rẫy huyền bí, thành cổ Luxor và các đền đài tráng lệ, bảo tàng Ai Cập cất giấu hàng loạt kho báu lớn nhất thế giới, thung lũng các vị vua với nhiều bí mật chưa được khai phá, sa mạc Sahara khắc nghiệt hoang vu, hay bán đảo Sinai - đứa con bất trị của Ai Cập?
Cụm kim tự tháp cổ đại Giza là địa danh thu hút tất cả những kẻ lữ hành tìm đến để ngắm nhìn và khám phá. Mọi tâm huyết, mong chờ dành cho chuyến đi tới quốc gia Trung Đông huyền bí này của tôi dường như đặt cả ở đây. Đây cũng là kỳ quan cuối cùng trong 7 kỳ quan cổ đại còn tồn tại sau gần 5.000 năm.
Kiến trúc được xây dựng một cách kỳ công, Kheops, đại kim tự tháp, qua thời gian đã bị tàn phá và hư hỏng. Lăng mộ được làm từ hơn 2,3 triệu khối đá, mỗi khối nặng từ 2 tới 30 tấn, một số nặng hơn 50 tấn, với chiều cao hiện nay 138,75m, chiều dài cạnh là 230m. Nhìn từ bên ngoài, nơi đây có bề ngoài thô ráp, trên thực tế, ban đầu chúng được làm từ những lớp đá vôi sáng bóng phản chiếu ánh sáng mặt trời như một tấm gương rực rỡ trên sa mạc.
Thẳng thắn mà nói, không còn nhiều nhặn gì để xem bên trong các kim tự tháp. Chỉ những ai tò mò lắm mới đủ kiên nhẫn để bước đi tại đây vì bạn phải liên tục di chuyển giữa rừng khách du lịch, trong ánh đèn leo lét, cùng một lượng không khí rất hạn chế, nhưng hành trình bên trong kim tự tháp luôn là trải nghiệm tôi sẽ không bao giờ quên.
Trên đường đi xuống lòng kim tự tháp, tôi luôn tự hỏi điều gì đã diễn ra ở đây vào hàng nghìn năm trước, khi những vị Pharaoh quyền lực chuẩn bị cho giấc ngủ vĩnh hằng của mình. Có gì đó rất thiêng liêng, tâm linh, và riêng tư, vì cuối cùng sau một quãng đường rất xa, và nhiều năm ước mơ được tận mắt nhìn thấy kim tự tháp, thì tôi đã ở đây, được chạm tay vào những khối đá khổng lồ này, giữa lồng lộng gió cát Trung Đông.
Một công trình độc đáo khác phải tới ngắm nhìn là tượng Nhân sư. Khung cảnh bức tượng đầu người, mình sư tử cao hơn 18m và trải dài tới 57m nằm phủ phục trước 3 kim tự tháp, đứng lặng im trước nắng gió thời gian đủ sức làm nao lòng bất cứ du khách nào.
Cưỡi lạc đà trên sa mạc nóng bỏng đầy cát là một trong những điều thú vị không thể bỏ qua. Chi phí cho một lần cưỡi lạc đà là 5 USD, ngồi lên chụp hình là 2 USD. Thông thường những người kinh doanh dịch vụ này sẽ hét giá khá cao nhưng du khách có thể mặc cả và trả giá giảm 50 - 70%.
Nếu thủ đô Cairo vẫn ôm ấp những kim tự tháp kỳ vĩ, thì thành cổ Luxor lại giữ được những đền đài và di tích. Cố đô thời cổ đại của Ai Cập nằm ngay giữa hai con đường, bên cạnh những chiếc taxi, minibus, xe ngựa thong thả, nằm xen với hàng tượng nhân sư nối tiếp nhau.
Luxor không mang vẻ huyền bí như những ngôi mộ Pharaoh, mà cởi mở và phóng khoáng hơn. Các di tích lịch sử đã tồn tại hàng nghìn năm mà du khách thường tìm đến ở đây có thể kể tới thung lũng những vị vua, đền Karnak, Luxor hay Hatshepshut.
Đền Karnak thờ thần mặt trời Amun-Ree là nơi thờ cúng chính của các vua Ai Cập trong gần 2000 năm. Quần thể đền lớn nhất còn tồn tại của Ai Cập này được xây dựng bởi khoảng 30 vị Pharaoh. Trong đền lưu giữ hàng trăm cột đá, được dân gian coi là những cây hoa mọc lên từ đất, được chạm khắc hoa văn mềm mại, trang trí phù điêu miêu tả cảnh chiến đấu của nhà vua hết sức sống động.
Chàng trai Ai Cập đi cùng cho tôi biết nếu đã đặt chân tới đây, hãy đi bộ 3 vòng quanh bức tượng lớn hình con bọ trong sân đền theo chiều ngược với kim đồng hồ thì sẽ gặp may mắn và hạnh phúc.
Nhưng điều thật sự thu hút tôi lại là sự quyến rũ của con đường nở đầy hoa phượng hồng xinh xắn, những cành chà là đang chín ngọt trên cành, bóng những cô gái Ai Cập quấn kín khăn, choàng chiếc áo dài đi lại, hay chiếc cổng chào là hai hàng nhân sư dù đã bị thời gian và chiến tranh làm hư hỏng nhưng vẫn còn nguyên dấu ấn của một thời kỳ huy hoàng.
Sau tất cả, tôi dành cả ngày để lang thang tại Bảo tàng Ai Cập nằm tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Tòa nhà tràn ngập các hiện vật Ai Cập cổ đại này là nơi trưng bày một bộ sưu tập khổng lồ các di vật về thời kỳ Ai Cập cổ đại, gồm hơn 120.000 vật thể đang được trưng bày, các vật còn lại được lưu giữ trong kho.
Nổi bật nhất là các hiện vật được tìm thấy trong ngôi mộ của Hoàng đế Tutankhamun, người băng hà khi mới 19 tuổi và được chôn cùng nhiều kho báu vô giá.
Tôi được chiêm ngưỡng tận mắt chiếc mặt nạ vàng của Hoàng đế, được trang trí với ngọc lam, đá lapis và san hô; bức tượng Tutankhamun đứng trên chiếc thuyền giấy từng bị đánh cắp; đôi dép bằng vàng được chôn cùng thi thể của vị pharaoh suốt 3.000 năm; cùng rất nhiều bức tượng có niên đại tới 5.000 năm.
Trên bức tranh sa mạc, sông Nile như chiếc xương sống chạy dọc Ai Cập. Nằm trên bờ đông của dòng sông, đối diện với thành phố Luxor là Thung lũng các vị vua - nơi yên nghỉ của nhiều vị pharaoh nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập, như Hatshepsut, Tutankhamun, Seti I và Ramses II, cũng như các hoàng hậu, thầy tế cấp cao và quan chức quyền lực thuộc triều đại thứ 18, 19 và 20.
Du khách khi tới thung lũng nằm đối diện cố đô Thebes này không được phép chụp ảnh, chỉ được chọn đi 3 trong số hơn 60 ngôi mộ đã được khai quật.
Nếu việc chiêm ngưỡng các di tích mang lại sự hào hứng khám phá, thì trải nghiệm băng qua sa mạc Sahara cho tôi cảm giác mạo hiểm chưa từng có. Khung cảnh khoáng đạt mênh mông toàn bộ là cát cứ vun vút lao qua cửa sổ của chiếc xe ô tô làm tôi có cảm giác như mình đang đi trên con đường thăm thẳm không đích tới.
Anh lái xe không cần định vị GPS mà cứ điềm nhiên đi qua những đụn cát cao chót chót, hoàn toàn không có bóng muông thú hay cây cỏ. Nắng, gió, cát mịn vàng ươm trong nắng khiến tôi bỗng thấy mình vừa nhỏ bé, cũng vừa thật gần gũi với thiên nhiên.
Băng qua sa mạc Sahara, tôi tới được bán đảo Sinai - nơi luôn được coi là vùng đất “nóng” về nhiều nghĩa của đất nước Ai Cập. Dù tình hình chính trị bất ổn, nơi đây vẫn là điểm cần đến của những người mộ đạo hoặc yêu thích lịch sử, muốn tận hưởng cảm giác được đi ngược thời gian trở về những thế kỷ xưa.
HẢI AN