Đường từ Hà Nội đi chùa Giám (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) gần 60 km, chạy môtô khoảng 1 giờ 30 phút.
Ghi dấu danh y Tuệ Tĩnh
Chùa Giám - tên chữ là Nghiêm Quang Tự - là nơi thờ, tưởng niệm vị thánh thuốc nam - đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đi qua vườn cây xanh, tiếp tục qua hồ nước hình chữ nhật trồng hoa súng màu cánh sen rồi vào sân tiền đường rộng lát gạch vuông màu đỏ, những gian nhà khách thoáng mát với các cánh cửa gỗ chạm khắc hình nổi từng ô rất kỳ công, người ta bỗng thấy lòng nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Bỏ qua một bên cảm giác mệt mỏi, khách đến chùa Giám thấy những thứ bực dọc, bệnh tật trong người như tiêu tan, tâm tĩnh trở lại.
Theo các tài liệu sử học, Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu Tuệ Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa. Ông sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ khi 6 tuổi nên được sư chùa Hải Triều (tức chùa Giám hiện nay) nuôi ăn học.
Chùa Giám
Vốn thông minh, hiếu học, năm 22 tuổi, ông thi đỗ thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà đi tu, tập trung thời gian và kiến thức vào sự nghiệp nghiên cứu y học. Khi tu tại chùa Giám, Tuệ Tĩnh đã lấy khu vườn làm cơ sở trồng cây thuốc cho đến lúc bị đem đi cống nạp cho nhà Minh năm 55 tuổi...
Không chỉ lưu giữ, ghi dấu công lao của danh y Tuệ Tĩnh và công đức của những người tạo dựng, chùa Giám còn hấp dẫn du khách bởi tòa tháp Cửu phẩm liên hoa sơn son thếp vàng. Tòa tháp này được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2016.
Tòa bảo tháp Cửu phẩm liên hoa làm bằng gỗ hình lục giác màu cánh sen có 9 tầng, mỗi tầng là 54 cánh sen nổi, khắc những họa tiết sinh động. Mỗi tầng còn có 18 pho tượng Phật, trong đó tượng Phật A Di Đà ngồi thiền ở giữa, 2 tượng Phật Quan Âm đứng hai bên. Tầng trên cùng là một pho tượng Phật A Di Đà lớn chạm trần nhà và được giữ cố định, mang ý nghĩa cho sự tĩnh lặng.
Ngắm đảo cò Chi Lăng Nam
Nếu đã dành một ngày cho Hải Dương thì bạn cũng đừng nên bỏ qua đảo cò Chi Lăng Nam với hàng vạn chú cò, vạc, chim nước của vùng quê thanh bình ở huyện Thanh Miện.
Người dân Chi Lăng Nam kể vào đầu thế kỷ XV, những trận đại hồng thủy đã làm dải đê lớn ven sông Hồng vỡ 3 lần, tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ. Đất lành thì chim đậu, từng đàn chim từ khắp nơi tụ về đây cư trú.
Tòa bảo tháp Cửu phẩm liên hoa
Ước tính, hiện đảo cò Chi Lăng Nam có tới 12.000 con cò gồm nhiều giống khác nhau, hơn 5.000 con vạc cùng các loài diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Cứ đến mùa gió heo may, khoảng tháng 9 - 10 âm lịch, các loài cò, vạc và chim nước lại bay về quần tụ ở đây đến tận tháng 4 năm sau. Vào những ngày đất trời lập đông là thời điểm tập trung số lượng chim lớn nhất trong năm.
Phải trải qua khoảnh khắc ngồi trên chiếc thuyền nhỏ trong buổi tà dương, khi những tia nắng cuối ngày rơi trên mặt hồ, từng đàn cò nối nhau bay về tổ, cất tiếng kêu rộn rã cả một vùng, mới thấy cuộc sống này đáng yêu đến thế nào. Lúc đó, bạn chỉ ước thời gian ngừng trôi để thả mình vào gió, vào mây và tạm quên tất cả lo toan thường nhật. Và, bạn ước gì mình có thể nắm thật chặt những giây phút này, tận hưởng sự bình yên tối đa.
Quay bảo tháp phải tùy duyên
Theo quan niệm của Phật giáo, cứ quay một vòng tháp Cửu phẩm liên hoa thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành nhiều lần để người niệm mau đạt tới chánh quả. Khách đến chùa, vì thế, ai cũng muốn quay bảo tháp nhưng có quay được hay không còn là tùy duyên.