Canh bún đơn giản lắm, chỉ là bún sợi to chan nước lèo được nấu từ cua đồng ăn kèm với rau muống luộc và vài miếng đậu hủ. Để nâng cấp sự đơn giản đó, người ta thêm vào khoanh giò, miếng huyết, cây chả. Nhưng cơ bản nhắc đến canh bún là nhắc đến miếng chả cua thơm và những cọng rau muống luộc thanh mát. Khi ăn chỉ cần chan chút nước me cho dịu, thêm chút ớt cho the và chút mắm tôm cho dậy mùi.
20 năm sống ở đất Sài Gòn, tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần ăn canh bún. Nó từng là bữa trưa cho thời sinh viên nghèo khó chỉ với 2.000 đồng/tô, là bữa sáng những ngày nóng nực và vô số bữa chiều bù khú bạn bè. Nhưng lưu luyến nhất vẫn là là nồi canh bún đầu hẻm 416 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Chủ quán là người gốc Bắc, di cư vào Nam những năm 1940 và đã bán canh bún ở đây từ hơn 30 năm trước. Canh bún ở đây đơn giản có thể nói là nhất Sài Gòn, nhân chỉ có cua, huyết và đậu hủ. Dù so với nhiều quán chẳng có gì sang cả nhưng ai đã ăn một lần sẽ nhớ. Nhớ miếng cua thơm lừng đồng ruộng bởi nó nguyên chất 100% chứ không hề được pha thêm trứng, thịt xay. Nhớ cọng bún to tròn thấm đẫm gia vị bởi được ngâm đôi phút trong nước dùng trước khi múc vào tô. Đậu hủ, rau muống luộc không đặc biệt nhưng nước dùng thì có khác, đậm đà mà thanh, thêm chút me chua, chút mắm tôm phảng phất, chút màu điều đo đỏ, chút hành phi thơm thơm thì tự nhiên nó vơi đi đến giọt cuối cùng.
Hỏi chủ quán sao không đua theo người ta bỏ giò, bỏ chả, chị cười: "Má tui người Bắc, mang món này vào Nam, mấy chục năm nay nấu sao tui bắt chước vậy, chỉ có thêm chút đường trong nước lèo cho hợp khẩu vị người Nam thôi. Đơn giản vậy thì giá mới bình dân (20.000 đồng/tô) mà nhiều người cũng thích, nói ăn ở tui rồi đi quán khác không thấy ngon".
Cái gì cầu kỳ thì làm người ta thích nhưng đơn giản lại khó quên. Có lẽ vì vậy mà tôi và nhiều người nữa cứ quanh quẩn lại ghé quán canh bún này dù ở Sài Gòn, canh bún thèm là có, ra ngõ là gặp.