Quán ăn nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Nguyễn, quận 1, đã mở được 30 năm. "Ngày trước, mẹ tôi cũng bán ở vỉa hè giống như bây giờ. Do chưa có điều kiện cũng như muốn giữ lại không gian như trước mà tôi vẫn tiếp tục duy trì quán như hiện tại", cô Hạnh, chủ hàng, nói.
Dù không tên, không biển hiệu, quán vẫn thu hút một lượng lớn thực khách vào buổi xế chiều. Mỗi ngày cô nấu trên dưới 100 tô, ai đến chậm thì đành quay lại vào bữa khác.
Tuy là quán vỉa hè, các công đoạn từ chọn nguyên liệu đến nấu nướng đều được chủ đảm bảo vệ sinh. Các thành phần của món ăn xếp gọn trong thau, tô riêng, bày xếp ngăn nắp trên chiếc bàn nhỏ.
Cô Hạnh cho biết, thành viên trong gia đình thực hiện các bước chuẩn bị, riêng nấu nước lèo và nêm nếm do cô đảm nhận.
Quán đặc biệt nổi tiếng với miếng bò viên khủng, được nhiều thực khách ví như trái bóng tennis. "Tôi học lại công thức nêm nếm và làm bò viên từ mẹ. Bây giờ chỉ có khách quen lớn tuổi, từng ăn bò viên của mẹ và tôi mới nhận ra hương vị của nó thay đổi hay vẫn còn nguyên", cô Hạnh bộc bạch.
Chủ quán cho biết thêm, nước lèo được nấu từ hơn 20 kg xương heo khoảng 2 tiếng, sau đó sẽ tiếp tục hầm với bò viên. Nhờ bí quyết này mà nước lèo lẫn viên bò đều có vị đậm đà.
Đồ ăn kèm khác cũng được nhiều khách ưa thích là móng giò, xương heo. Chủ quán chặt miếng to, luộc vừa chín tới nên da vẫn còn giòn mà không quá mềm.
Thực khách sẽ còn bất ngờ bởi miếng huyết cũng to "khủng" không kém bò viên và móng giò. Huyết cũng do ở nhà tự đánh. Giải thích lý do các đồ ăn kèm có kích cỡ lớn, cô Hạnh chia sẻ đúng một câu ngắn gọn: "Ăn như vậy mới đã...".
Quả thật, người có sức ăn bình thường sau khi thưởng thức xong một tô bánh canh giò, bò viên đều sẽ cảm thấy "no ứ hự" bởi suất ăn khá nhiều. Người ăn khỏe có thể gọi thêm bò viên hoặc huyết tùy theo sở thích.
"Lần nào đến đây, tôi đều dặn cắt bò viên ra thành miếng nhỏ để dễ ăn hơn vì nó quá to", chị Thanh Thư (ngụ ở quận 3) chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều khách lại thích để nguyên miếng bò to, khi ăn sẽ cắn từng miếng như vậy mới đúng điệu. Đưa viên bò gần mũi, bạn sẽ ngửi thấy mùi bò thơm thoang thoảng. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận viên bò không quá nhiều bột, mềm và giòn sần sật. Bên trong còn có tiêu hạt thơm nồng.
Trong số các loại đồ nêm cho khách gia giảm được xếp gọn trên bàn, tô ớt xào khiến tôi chú ý vì cách làm lẫn hương vị không giống những nơi khác. Không chỉ chăm chút cho món chính, ngay cả đến ớt cũng được cô chủ tỉ mỉ tách hột, chỉ giữ lại phần vỏ rồi chế biến lại để phục vụ cho khách.
Mọi suất ăn luôn được cô Hạnh hào phóng múc nhiều bánh canh. Tô đầy đủ có giá 35.000 đồng, tô giò không giá 25.000 đồng, còn tô bánh canh chỉ có bò viên giá 27.000 đồng. Thực khách có thể yêu cầu đồ ăn kèm theo sở thích.
Quán cô Hạnh đã tồn tại suốt 30 năm qua dù không mấy nổi tiếng trong số các địa chỉ ẩm thực lâu năm ở Sài Gòn. Không gian của quán nằm gọn ở một bên con hẻm. Khách đến đỗ xe ở bãi gần đó rồi vào ngồi ăn trên bàn ghế nhựa. Quán mở cửa từ khoảng 15h, bán khoảng 3 tiếng là nghỉ.