Suối cá thần Cẩm Lương nép mình dưới chân núi Trường Sinh (bản Ngọc, Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cách thành phố Thanh Hóa khoảng 90km theo hướng Tây Bắc. Suối cá thần còn có tên gọi là suối cá Lương Ngọc, từ lâu đã rất nổi tiếng và là một trong những địa chỉ du lịch thu hút khách thập phương của Thanh Hóa.
Người dân địa phương kể rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng nọ, vì đói quá nên khi đi ngang qua thấy suối nhiều cá đã bắt đem về làm thịt. Nhưng khi nấu chín, mở vung nồi ra thì không thấy cá đâu mà chỉ thấy một màu nước trong veo như màu nước suối. Vợ chồng nhà này sợ quá phải làm lễ vật đem đến cúng xin tha tội.
Một giai thoại khác, có 2 thanh niên từ thành phố Thanh Hóa lên suối cá chơi và không tin là có chuyện bắt giết cá sẽ bị tai nạn. Thế là họ dùng đá ném chết một con cá. Trên đường về cả hai bị tai nạn chết. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện khiến suối cá thần ngày càng… thần hóa.
Người dân địa phương cho biết đàn cá sống ngoài suối và trong hang thường nặng chừng 6-7 kg/con. Ngày xưa, thỉnh thoảng một số người dân vẫn thấy “cá chúa”. Theo sự mô tả được kể lại thì “cá chúa” nặng chừng 30-40 kg, có đôi mang đỏ như người phụ nữ đeo khuyên tai, mắt viền xanh đỏ, đuôi có chấm đỏ viền xanh… Sau đó, cửa hang bị sập nên nhỏ lại và “cá chúa” không ra ngoài được, chỉ sống giữa động nước trong lòng núi Trường Sinh.
Người dân bên suối và cá thần sống “hòa thuận” cùng nhau. Khi đi làm đồng, phát hiện cá lỡ lạc đường bơi ra ngoài thì người dân bắt cá đưa về lại suối. Những gia đình ở quanh suối cá vẫn đem gạo ra vo, đem rau ra rửa ở suối cá. Đàn cá rất tự nhiên quấn quanh bên rổ rá…
Hiện nay, mỗi ngày, nhất là ngày lễ, suối cá thần Cẩm Lương đón hàng ngàn lượt khách tới tham quan.