Đừng dựa vào Google Maps ở Hàn Quốc
Google Maps không thể giúp du khách xây dựng lộ trình khi du lịch Hàn Quốc. Lý do là chính phủ nước này không cấp quyền cho Google sử dụng dữ liệu bản đồ của họ vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Vì vậy, trước chuyến đi, du khách nên cài đặt ứng dụng chỉ đường của Hàn Quốc, phổ biến nhất là Naver Map, có sẵn tiếng Anh và tiếng Hàn. Ảnh: Naver Map.
Những người xin tiền từ thiện ở Anh
Những kẻ giả mạo này thường thuyết phục người qua đường quyên góp tiền vì một lý do nhân đạo nào đó. Ngoài ra, họ còn yêu cầu mọi người điền vào một bảng khảo sát và gửi tiền từ thiện hàng tháng. Nếu không muốn chi tiền, du khách không nên bắt đầu cuộc trò chuyện với những người gây quỹ đường phố này. Ảnh: CNN.
Những lệnh cấm trên phương tiện công cộng ở Singapore
Người hút thuốc lá ở nơi công cộng sẽ bị phạt 1.000 SGD (khoảng 17 triệu đồng). Mức phạt của việc ăn, uống hoặc cho con bú trên phương tiện công cộng là 500 SGD (khoảng 8,5 triệu đồng). Chính phủ Singapore muốn ngăn chặn các tình huống nguy hiểm và bất tiện cho hành khách. Một đồ uống hoặc thức ăn vô tình bị đổ ra có thể làm hỏng chỗ ngồi hoặc khiến những hành khách trượt ngã. Ảnh: Wikimedia Commons.
Cẩn thận khi đi lại ở Indonesia
Nếu định đến thăm đảo Bali của Indonesia, du khách nên cư xử cẩn thận khi nhìn thấy những món đồ cúng ven đường. Những khay nhỏ này là “canang sari” - vật cúng dường cho vị thần Sang Hyang Widhi Wasa trong đạo Hindu.
Người dân địa phương để canang sari trên vỉa hè hàng ngày. Khi ai đó bước lên chúng, thậm chí vô tình, hoặc thể hiện bất kỳ hành vi thiếu tôn trọng nào, họ có thể phải chịu án tù 4 năm. Ảnh: Wikimedia Commons.
Ít cửa hàng hoạt động sau 9 giờ tối ở Thuỵ Sĩ
Hầu hết cửa hàng ở Thuỵ Sĩ đóng cửa lúc 18h30 các ngày trong tuần và 21h vào thứ 5. Họ cũng nghỉ ngày chủ nhật. Tuy nhiên, vẫn có những cửa hàng ngoại lệ.
Dù một số cửa hàng vẫn mở cửa sau 21h, du khách vẫn không thể mua rượu trong đó vì việc bán rượu bị cấm vào thời gian này. Đó là lý do du khách nên có kế hoạch mua sắm các sản phẩm cần thiết ở Thuỵ Sĩ từ sớm. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các nước châu Âu khác như Áo và Đức. Ảnh: Girlfriend Guide to Zurich.
Không đem đồng tiền Tunisia về nhà
Đồng dinar của Tunisia là "đồng tiền đóng", do đó du khách có thể gặp rắc rối nếu cố gắng đem đồng tiền này ra khỏi biên giới Tunisia. Một số khách du lịch vẫn lấy tiền giấy hoặc tiền xu của nước này làm đồ lưu niệm. Nếu phát hiện, các nhân viên an ninh khi ấy sẽ chỉ lấy lại tiền và để du khách rời đi mà không phạt. Ảnh: @expatawesome.
Những cảnh sát giả mạo tại Italy
Du khách có nguy cơ gặp phải cảnh sát giả ở Italy. Họ yêu cầu “kiểm tra” với nhiều lý do khác nhau và lấy cắp tiền từ túi của khách du lịch. Những cảnh sát thật sự mặc thường phục không ngẫu nhiên kiểm tra giấy tờ của khách du lịch, vì họ có những nhiệm vụ hoàn toàn khác. Hãy gọi đường dây nóng hỗ trợ du khách để được giúp đỡ khi rơi vào tình huống này. Ảnh: Flickr.
Trò bịp khi đi taxi ở Trung Quốc
Khi đến Trung Quốc du lịch, có thể du khách sẽ bị đổ lỗi vì làm hỏng một phương tiện vận tải. Những tài xế taxi ranh mãnh sẽ dán chặt cửa xe bị hỏng bằng keo. Khi hành khách cố gắng mở cửa, tay nắm bị rơi ra, từ đó tài xế yêu cầu bồi thường. Hãy gọi cảnh sát can thiệp.
Du khách cũng nên gọi taxi hợp pháp. Ở Bắc Kinh, tất cả số đăng ký taxi hợp pháp bắt đầu bằng ký hiệu 京 B. Ảnh: Inverse.
Cẩn trọng với cỏ dại ở Australia
Tại Australia, bindi là tên một loài cỏ dại có hại. Bản thân cỏ không nguy hiểm, nhưng hạt có gai cứng sẽ đâm vào chân người không may bước vào, xuyên thủng giày dép. Người Australia phải sử dụng thuốc diệt cỏ đặc biệt để loại bỏ giống cây phiền hà này. Ảnh: pup-alicious.