Du lịch
19/02/2018 11:42

Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa

Theo đồ án quy hoạch Sài Gòn của người Pháp, đường rộng 40 m, vỉa hè 4 m, mỗi bên có hai hàng cây mới được gọi là đại lộ (boulevard).

Sau khi người Pháp đánh chiếm Sài Gòn, trung tá công binh Coffyn được giao lập quy hoạch cho thành phố tương lai "Sài Gòn 500.000 dân" (Saigon ville de 500.000 âmes).

Đồ án của Coffyn phác thảo một đô thị rộng 25 km2 với ranh giới là rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn và một đường nối từ chùa Cây Mai (góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ, nay không còn) đến đường chiến lũy cũ của đồn Kỳ Hòa.

Chiều rộng các đường chính loại một (đại lộ - boulevard) là 40 m, vỉa hè 4 m, mỗi bên hai hàng cây; đường loại hai (route/rue) là 20 m, loại đường này có vỉa hè rộng 2m, mỗi bên một hàng cây.

Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Huệ khi mới được xây dựng. Ảnh: Flick.

Đại lộ Nguyễn Huệ (tên thời thuộc Pháp Charner)

Con đường dài 0,7 km, từ trụ sở UBND TP HCM hiện nay, đến bờ sông Sài Gòn. Lúc người Pháp đánh Sài Gòn, nơi đây còn là con kênh.

Năm 1865, một phần đoạn kênh bị lấp, 20 năm sau con kênh này bị lấp hoàn toàn để xây dựng con đường lớn mang tên đại lộ Charner (còn được gọi là đường Kinh Lấp).

Từ năm 1955 đến nay, con đường này mang tên đại lộ Nguyễn Huệ. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, nó vẫn là một trong những con đường sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn.

Hiện, đường Nguyễn Huệ đã được cải tạo thành quảng trường đi bộ với tổng kinh phí 430 tỷ đồng. Dài 670 m, rộng 64 m, toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND TP HCM đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite với hai đài phun nước và hệ thống cây xanh.

Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại… Mỗi ngày có hàng nghìn người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đại lộ Lê Lợi (tên thời thuộc Pháp là Bonard)

Ban đầu đây cũng là con kênh dài gần một km do người Pháp đào, một đầu đổ ra sông Sài Gòn, đầu còn lại nối với kênh Olivier đổ ra rạch Bến Nghé để tiêu thoát nước. Khoảng năm 1880, kênh bị lấp hoàn toàn để xây dựng thành đại lộ Bonard.

Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa - Ảnh 2.

Đại lộ Lê Lợi thời thuộc Pháp. Ảnh tư liệu

Sau khi Nhà hát thành phố và Chợ Bến Thành mới (chợ Mới) thành lập vào năm 1914, ga xe lửa Saigon - Mỹ Tho được dời từ đầu đường Hàm Nghi đến vị trí ở quảng trường Cuniac (quảng trường Quách Thị Trang) và ôtô bắt đầu phát triển vào khoảng thập niên 1920 thì đại lộ Bonard chiếm ưu thế về kinh tế so với những con đường khác như Catinat (Đồng Khởi), Charner.

Từ năm 1955 đến nay, đường này mang tên Lê Lợi và vẫn được mệnh danh là con đường thương mại vì có nhiều cửa hàng, thương hiệu lớn.

Đại lộ Hàm Nghi

Đây vốn là con rạch tên Cầu Sấu - từ sông Sài Gòn về giao lộ Hàm Nghi - Pasteur hiện nay. Trong năm từ 1867-1868, rạch được lấp tạo thành một trục đường rộng 56 m với tên gọi Canton.

Năm 1885, đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (tuyến đầu tiên của Sài Gòn) được mở chạy dọc theo đại lộ (trước khi đi ra phía Chợ Lớn và Mỹ Tho) khiến con đường ngày càng nhộn nhịp hơn. Có giai đoạn, đại lộ được chia thành hai đường riêng biệt ở hai bên của đường ray xe lửa, mỗi con đường được đặt theo tên của đô đốc Pháp - đường Krantz ở phía Bắc và đường Duperré về phía Nam.

Năm 1914, hai con đường Krantz và Duperré được sáp nhập lại và đặt tên đại lộ là Somme. Đến năm 1955, đường này được chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi thành Đại lộ Hàm Nghi với chiều dài gần một cây số (từ đường Tôn Đức Thắng và kết thúc ở công trường Quách Thị Trang - Bùng binh chợ Bến Thành).

Đường Hàm Nghi một thời là nơi phát xuất của các xe tramway đi trong thành phố Sài Gòn cũng như các tuyến xe lửa đi qua cảng và về nhà ga Sài Gòn. Nhà ga Sài Gòn đầu tiên được thiết lập trên đường Hàm Nghi gần bến Bạch Đằng về sau dời về khu vực chợ Bến Thành.

Đại lộ Lê Duẩn

Dài khoảng 2 km nối Thảo cầm viên Sài Gòn với Dinh Độc Lập, con đường có từ trước khi Sài Gòn bị người Pháp đánh chiếm. Sau đó nó được nối với đường trung tâm Hoàng thành cũ, thành đại lộ trung tâm của khu vực đầu não chính quyền mới.

Lúc đầu, đường mang tên là đại lộ Chính Phủ, về sau đổi tên là đại lộ Norodom (tên một nhà vua Campuchia từng đến thăm Sài Gòn).

Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa - Ảnh 3.

Đại lộ Lê Duẩn thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Năm 1950, Dinh Norodom được Chính phủ Bảo Đại đổi tên thành Dinh Độc Lập và đường Norodom được đổi thành đường Thống Nhất. Năm năm sau khu vực đại lộ Thống Nhất trở thành khu vực chính trị và ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với rất nhiều cơ quan đầu não cùng các cơ quan ngoại giao.

Sau năm1975, Dinh Độc Lập được đổi tên thành Dinh Thống Nhất và đường Thống Nhất đổi thành Đường 30 tháng 4. Đến năm 1986, đại lộ này được chính quyền TP HCM đổi thành đường Lê Duẩn.

Đây là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, được đổi tên 4 lần từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XXI. Đại lộ Lê Duẩn mang trên mình đầy đủ chuyển động tiêu biểu của lịch sử thành phố hơn 300 tuổi.

Đại lộ Tôn Đức Thắng

Là tuyến đường lớn và lâu đời nhất của vùng Sài Gòn, thời Pháp thuộc nó gồm ba đường khác nhau: đoạn thứ nhất (có từ thời nhà Nguyễn) bắt đầu từ cầu Khánh Hội đến Công trường Mê Linh; đoạn thứ hai từ Công trường Mê Linh đến giáp nhà máy Ba Son và đoạn cuối cùng từ bờ sông vào đến đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Người Pháp đã theo con đường này từ trại Thủy Quân lên đánh thành Gia Định và hạ thành ngày 17/2/1859. Năm 1865, nó được đặt tên là Boulevard de la Citadelle. Đến năm 1901, đổi thành đường Luro. Năm 1955, đường này được chính quyền Sài Gòn đổi thành đại lộ Cường Để - tôn thất nhà Nguyễn.

Mãi đến năm 1980, đại lộ Cường Để được chính quyền thành phố đổi thành đường Tôn Đức Thắng, nhưng cắt đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Thị Minh Khai nhập vào đường Đinh Tiên Hoàng.

Trong khi phần lớn các tuyến đường, nhất là khu trung tâm thành phố, đều có độ rộng 6-8 m, Sài Gòn may mắn có 5 đại lộ khang trang với các tiêu chuẩn về chiều rộng mặt đường và cây xanh đô thị.

Về sau, cùng với sự phát triển, ngày càng nhiều tuyến đường lớn được xây dựng như: Boulevard Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo), Xa lộ Hà Nội (thời chính quyền Việt Nam Cộng Hoà) rồi sau này có thêm nhiều đại lộ như Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ), Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Phạm Văn Đồng)…

Tuy nhiên, 5 tuyến đại lộ đầu tiên của Sài Gòn vẫn là những trục đường quan trọng ở trung tâm TP HCM.

Theo mô tả của ông Jules Boissiere năm 1874: "Sài Gòn có sáu đại lộ (boulevard), 40 đường (route/rue)". Ngoài 5 đại lộ trên, một con đường khác cũng từng được xếp vào hàng đại lộ là Chasseloup Laubat (với tên ban đầu là đường Chiến Lược - route Stratégique; rồi đại lộ số 25 - Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay).

Đây vốn là đường thiên lý từ thành Gia Định ra miền Trung, miền Bắc; đồng thời nối với đường sang Campuchia (Cách Mạng Tháng Tám hiện nay). Tuy nhiên, với tiêu chí của Coffyn thì con đường vốn chỉ rộng hơn 10 m này đã lần hồi bị giáng từ đại lộ xuống "đường" (rue) như trong nhiều bản đồ xưa của Pháp ít nhất từ đầu thế kỷ 20.


Theo Trung Sơn (VnExpress)

Viết bình luận

ĐHĐCĐ thường niên 2024: PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

ĐHĐCĐ thường niên 2024: PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

Sản xuất - Kinh doanh 21:05

Ngày 26-4, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các cổ đông đại diện cho 893.475.226 cổ phần, tương đương tỉ lệ 86,39% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của PVOIL.

“Trốn cả thế giới” - về với thiên nhiên giữa đại ngàn Yang Bay

“Trốn cả thế giới” - về với thiên nhiên giữa đại ngàn Yang Bay

Điểm đến hấp dẫn 18:01

Du lịch sinh thái, trải nghiệm và khám phá núi rừng chắc hẳn không còn xa lạ với những tín đồ “cuồng chân” và đang trở thành xu hướng của giới trẻ để tìm về không gian yên bình.

Chiến lược kiến tạo nên những màn “bứt tốc” của TPBank

Chiến lược kiến tạo nên những màn “bứt tốc” của TPBank

Ngân hàng 17:30

Chiến lược tập trung hướng đến khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh từ lâu đã định vị TPBank ở nhóm hàng đầu trong kiến tạo xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Nghỉ Lễ thảnh thơi, không lo giao dịch gián đoạn

Nghỉ Lễ thảnh thơi, không lo giao dịch gián đoạn

Ngân hàng 17:29

Với bước tiến mới về công nghệ, trong vài năm trở lại đây hầu hết các giao dịch ngân hàng được thực hiện xuyên lễ, 365+ thông qua các điểm giao dịch số tự động hay ứng dụng ngân hàng số. Năm nay, các ngân hàng còn tung nhiều ưu đãi hấp dẫn trong dịp lễ 30-4 và 1-5 dành cho khách hàng.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn hỗ trợ nước sạch cho bà con huyện Tân Phú Đông

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn hỗ trợ nước sạch cho bà con huyện Tân Phú Đông

Hoạt động cộng đồng 16:08

Ngày 26-4, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã đến huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) để hỗ trợ 40.000m3 nước, trao tặng 5.000 túi chứa nước loại 5 lít và hỗ trợ xe bồn vận chuyển nước sạch nhằm giúp người dân vượt qua hạn, mặn đang diễn ra gay gắt.

ABBank tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư ngân hàng số và hỗ trợ doanh nghiệp

ABBank tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư ngân hàng số và hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng 16:08

Kết thúc quý I-2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ cũng đạt tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

VIETBANK báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức

VIETBANK báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức

Thị trường 15:05

Ngày 26-4-2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.