Mướt mồ hôi chen chân đi xem "cá thần"
Ghi nhận vào lúc 12h trưa, dòng người ùn ùn đổ về điểm du lịch suối cá thần Cẩm Lương. Chủ yếu là người dân địa phương đi bằng phương tiện xe máy, ngoài ra còn có khá đông xe ô tô đến từ các tỉnh thành khác như Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An...
Một du khách đang sốt ruột chờ được qua cầu treo để vào suối cá cho biết, anh về quê Nghệ An ăn tết, trên đường trở ra Hà Nội tranh thủ rẽ vào cho các con được xem suối cá đặc biệt này. Anh không ngờ lượng người đổ về suối cá đông như vậy, khiến các con phải chờ đợi mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng.
Bà Hạnh bán ngô ngay trước khu du lịch suối cá Cẩm Lương cho biết, tình trạng đông đúc, quá tải du khách tại suối cá này kéo dài từ ngày mùng 2 Tết đến nay, và theo lệ thường thì sẽ còn náo nhiệt đến khi kết thúc kỳ nghỉ Tết.
Cũng theo bà Hạnh, suối cá tấp nập du khách giúp bà và những người kinh doanh dịch vụ ăn theo khấm khá trong những ngày đầu năm.
Nắm bắt được tình trạng quá tải thường thấy trong những ngày Tết, Ban quản lý khu du lịch đã bố trí lực lượng phân luồng từ xa, đồng thời điều tiết lưu lượng ô tô qua cầu treo (cầu treo bắc qua sông Mã đi vào suối cá) để không bị quá tải.
Hình ảnh suối cá thần Cẩm Lương đông nghịt du khách trong ngày mùng 4 tết:
Bãi xe máy kín chỗ, nhiều người sợ không có chỗ gửi xe đã chấp nhận đi dịch vụ xe điện từ ngoài cầu treo vào suối cá.
Đông nghịt người chen chân trong tiết trời khá oi nắng.
Không ít du khách tỏ ra mệt mỏi.
Phía ngoài suối cá đã kín người...
Càng vào sâu trong đầu nguồn (đầu nguồn con suối chảy ra từ khe núi, nơi cá tập trung với mật độ dày đặc), lượng người càng đông.
Du khách thích thú ngắm nghía, chụp ảnh đàn cá đặc biệt.
Theo Wikipedia, suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: Cá dốc, thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam; cá chài, cá mại.
Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương.
Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước của dòng suối này.
Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt. Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này.
Do lượng người và phương tiện đổ vào suối cá quá đông, lực lượng chức trách tại đây đã bố trí phân luồng ô tô vào theo đường cầu treo nhưng ra theo đường khác không phải qua cầu. Tuy nhiên ngay tại điểm bán vé qua cầu, người đi ô tô đã phải mua 2 vé cho 2 lượt đi và về (20.000 đồng/vé) với lý do được người bán vé đưa ra là "mua luôn cho lượt khứ hồi".
Phía bên ngoài và cả bên trong điểm du lịch suối cá thần có rất nhiều người mời chào du khách mua bỏng ngô để "cho cá ăn". Tuy nhiên khi vào sát suối cá, du khách mới biết tại đây có quy định không được tự ý cho cá ăn. Vậy là những túi bỏng ngô đã mua đành bỏ phí.
Những chi tiết nhỏ nhặt này khiến nhiều du khách cảm thấy đã "bị lừa" khi đến với suối cá thần Cẩm Lương ngày đầu xuân.