Anh Trần Duy Phong, 34 tuổi, ngụ ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, anh đang sản xuất một loại sứ vô cùng lạ, ở ĐBSCL hay ở khắp cả nước rất khó tìm thấy. Loại này được anh gọi vui là “sứ chân dài”.
"Đội ngũ" sứ "chân dài" của anh Phong
Theo tìm hiểucủa phóng viên, thay vì sản xuất sứ có củ to, anh Phong lại trồng sứ có củ dài, có cây củ dài hơn nửa mét nhìn rất lạ mắt. Hiện nay, anh có hàng trăm cây cây sứ dạng này chuẩn bị bán trong dịp Tết Nguyên đán 2018, với giá giao động từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng/cây.
“Loại cây nhỏ, tôi bán với giá 500.000 đồng/cây, loại cây lớn hơn là 1 triệu đồng. Đặc biệt, tôi có 4 cây lớn, trong đó 2 cây 12 triệu đồng, 1 cây 15 triệu đồng và 1 cây 20 triệu đồng” – anh Phong cho biết.
Sứ "chân dài" có giá hàng chục triệu/cây
Theo anh Phong, loại sứ của anh có nguồn gốc từ Thái Lan và đều là cây ghép, có sức sống mạnh, tàn xòe ra tự nhiên (giống sứ trong nước thường không tự xòe). Riêng về việc tạo dáng “chân dài”, anh Phong cho biết dùng kỹ thuật kéo củ dài ra theo ý muốn, tuy nhiên cách này chỉ có thể áp dụng được 1 vài loại sứ.
Năm 2016, để nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Phong quyết định sang Thái Lan để học hỏi về kỹ thuật và mua giống nơi đây về sản xuất. Bước đầu, cách làm của anh được người dân địa phương, người dân “mê” sứ ưa thích, tìm mua và học hỏi.
“Ở Việt Nam, chỉ có tôi mới có số lượng lớn loại sứ này. Các nơi khác, nếu có thì cũng chỉ là mua các cây thành phẩm nhỏ, lẻ từ Thái Lan về trồng chứ không phải mua cây con, ghép, tạo dáng độc như tôi” – anh Phong khoe.
Sứ của anh đều có nguồn gốc của Thái Lan