Kỷ lục bí đao
Ở làng Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ), ngoài trồng lúa, đậu, ớt… như các vùng quê khác thì hầu hết vườn tược nông dân nào cũng sở hữu vài giàn bí đao với những quả có kích thước khủng, trọng lượng nặng đến bất ngờ. Mỗi quả bí đao bình thường nhiều nơi khác nặng lắm cũng chỉ chừng 7 - 10kg là cùng, vậy mà bí đao Chánh Trạch đều nặng trung bình khoảng 50kg, đặc biệt hơn có nhiều quả dài cả mét, đường kính 0,5m, nặng 100kg.
Theo các bô lão sống lâu năm ở làng, giống bí đao đã có từ lâu đời và loại nông sản đặc hữu này nhờ vùng đất với thổ nhưỡng kỳ lạ tạo nên. Tại đây, ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển, điều khá bí ẩn bên dưới có được mạch nước ngầm rất tốt, xuyên suốt quanh năm. Duy nhất 1 vụ trong năm, từ tháng 11 (âm lịch) đến tháng 3, người dân trong làng chỉ dành để canh tác bí đao.
Nông dân Nguyễn Đình Giáo bên quả bí đao Chánh Trạch sắp được thu hoạch
Nông dân Võ Ngọc Bình (làng Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ), chia sẻ: “Ngoài điều kiện vùng đất, để bí có trọng lượng khủng, chúng tôi còn có những cách làm rất riêng mà ít ai biết được, nông dân chỉ chọn 1 quả/gốc và cực kỳ chú trọng đến khâu làm phân”.
Theo thông lệ, quả lọt vào tầm mắt lựa chọn của chủ vườn, nhìn bề ngoài da phải mượt mà, có khả năng lớn nhanh. Sau khi làm giàn, người trồng kỹ lưỡng với nhiều công đoạn từ gieo hạt cho đến khi thu hoạch. Đầu tiên, đào hố thật sâu rồi mang phân xanh (lá cây) để dưới, lót lớp mỏng phân chuồng lên trên và lấp lại, ủ trong vòng 5-10 ngày.
“Gieo hạt xong, khi cây có 2 lá mầm và độ cao chừng 50cm thì đào xung quanh gốc và đưa phân chuồng, xác bánh dầu, phân… xuống hố. Khi nách lá có rễ đâm xuống, chúng liền ăn phân đang nằm chực chờ dưới đất nên phát triển rất nhanh. Vùng đất này rất ít sau bệnh nên sau những công đoạn đó, người trồng chỉ cần tưới nước hợp lý (sáng sớm hoặc chiều tối) và chuẩn bị dây để giữ bí đao khỏi bị rớt khỏi giàn chờ ngày thu hoạch”, ông Bình kể.
Bí đao khổng lồ là sản vật đặc trưng của người dân làng Chánh Trạch
Theo ông Nguyễn Đình Giáo (57 tuổi), ngoài bán trái, người nông dân còn có thể lấy nước từ thân bí đao khủng để kiếm thêm thu nhập. Nước từ thân bí dùng để thanh nhiệt, mát gan trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và điều đặc biệt loại nước này để từ tháng này qua năm nọ mà không bị hỏng.
Ông Giáo lý giải, cách lấy nước từ thân bí của nông dân rất đơn giản, sau khi hái hết trái trên cây sẽ dùng dao cắt sát dưới gốc và đặt dây bí vào 1 bình nhỏ để đựng nước. Trong vòng 1-3 ngày, nước từ thân có màu trắng đục sẽ tự chảy vào bình. Mỗi gốc cây có thể cho từ 1-2 lít, tùy theo mức độ xanh tốt của cây… loại nước này có giá khoảng 40.000 đồng/ lít.
“Vì sao vùng đất nơi đây trồng bí đao to như vậy, chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nhưng phải chắc chắn một điều hiếm nơi nào có thể trồng được. Khi chứng kiến bí đao khủng, nhiều người dân lấy hạt về nơi khác để trồng và học theo cách trồng mà chúng tôi chỉ dẫn nhưng thực tế trái vẫn không to. Họ bảo rằng đã bị chúng tôi lừa nhưng sự thật không phải như vậy, chỉ có vùng này với thổ nhưỡng, thời tiết nơi đây mới trồng được thôi”, bà Trương Thị Phương (làng Chánh Trạch) nói.