Du lịch dịp Tết từng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi trong thời gian dài giữa hai luồng quan điểm đi chơi hay ở nhà đón Tết truyền thống. Với bộ phận vlogger, blogger du lịch - những người thường dành cả năm để "xê dịch", họ lại có quan điểm tương đối thoáng về câu chuyện này.
"Mái ấm không chỉ là một ngôi nhà"
Trần Việt Phương (Travip), chủ tài khoản Yêu Máy Bay với gần 300.000 người theo dõi, tiết lộ đã không ăn Tết ở nhà trong hơn 10 năm qua.
"Tết năm nào, tôi cũng cùng gia đình đi du lịch nước ngoài để tránh cảnh đông đúc trong nước. Với tôi, chơi Tết trong hay ngoài nước thực ra cũng không quan trọng. Tôi chỉ muốn gia đình được quây quần bên nhau", Việt Phương chia sẻ.
Vlogger Travip không quá quan trọng việc đón Tết theo kiểu truyền thống. Ảnh: NVCC.
Nói về những chuyến du lịch Tết của mình, chủ tài khoản Yêu Máy Bay chia sẻ có lần anh đưa bố hành hương ở Ấn Độ, ghé Nepal thăm bạn học cũ. Cũng có năm, Việt Phương lại cùng mẹ đi khám phá Thổ Nhĩ Kỳ.
"Trong khoảng 10 năm qua, gia đình tôi đã không còn quá quan trọng chuyện chuẩn bị lễ Tết. Mình nhớ ngày Tết truyền thống là được. Tết là lúc chúng ta tìm về với mái ấm. Theo quan điểm của tôi, mái ấm không đơn thuần là ngôi nhà. Đó là nơi chúng ta quây quần bên những người thân yêu, tìm kiếm giây phút yên bình sau một năm vất vả", anh nói.
Vinh Gấu (sống tại TP.HCM), một blogger du lịch có tiếng trong giới xê dịch, cho biết đã có kha khá kinh nghiệm vi vu trong ngày Tết. Anh từng cùng gia đình đón Tết ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và cũng có năm tại Mỹ.
Du lịch Tết một cách hoàn hảo
Việc du lịch ngày Tết không hề đơn giản là chọn vé máy bay, đặt phòng khách sạn... Nhu cầu tăng cao khiến các dịch vụ trở nên khan hiếm hoặc nếu có cũng bị đẩy giá lên hẳn so với ngày thường. Do đó, du khách muốn bắt đầu một chuyến du lịch Tết sẽ cần chuẩn bị từ sớm.
Theo blogger Travip, anh thường mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn trước từ 1,5-2 tháng để đảm bảo giá tốt. Kinh nghiệm của anh là tránh đi vào ngày cao điểm mà nên chọn lệch 1-2 ngày so với giai đoạn nhiều người đi.
"Năm ngoái, tôi cùng mẹ đi Maldives lệch 2 ngày so với cao điểm. Giá vé thấp hơn, tiết kiệm rất nhiều tiền. Tôi thích đi tự túc nhưng một số nơi không quen thuộc hoặc tốn kém thì nên mua tour cho tiện. Ví dụ như khi đi Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, tôi sẽ chọn các công ty tour uy tín", Việt Phương trả lời Zing.
Ngoài vấn đề đặt dịch vụ sớm, blogger Vinh Gấu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn công ty tour uy tín. Ảnh: Vinh Gấu. |
Đặt các dịch vụ sớm cũng là câu trả lời được nhiều blogger/vlogger du lịch đưa ra. Chia sẻ với phóng viên, Vinh Gấu cho biết thêm anh thường có xu hướng chọn điểm gần nhà để di chuyển thuận tiện. Ngoài ra, anh cũng ưu tiên các điểm đến có đường bay thẳng, nhiều hoạt động phù hợp với gia đình hoặc bạn bè.
"Vào dịp này, hãy chọn những công ty thực sự uy tín để trợ giúp mọi thứ khi bạn gặp điều không thuận tiện trong chuyến đi như khách sạn hết phòng, trễ chuyến bay quá lâu...", anh nói.
"Càng đi, tôi càng thấy Việt Nam mình đẹp"
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hậu quả nhưng đồng thời cũng đưa du lịch nội địa lên ngôi khi đường bay quốc tế đóng cửa. Trong bối cảnh này, các blogger cũng có dịp chiêm nghiệm thêm vẻ đẹp khắp 3 miền đất nước sau những ngày dài du ngoạn thế giới.
"Đại dịch thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống, trong đó có du lịch và hàng không. Với một vlogger du lịch như tôi, việc đi càng nhiều lại càng có lợi, đặc biệt là tới nước ngoài. Bởi không đi, tôi biết lấy gì để đăng.
Tuy nhiên, vì không đi được nước ngoài, tôi buộc phải chọn du lịch trong nước nhiều hơn. Đó là cơ duyên giúp tôi nhận ra Việt Nam mình còn nhiều nơi đẹp. Từ đó, tôi cũng thay đổi nhận thức và chiến lược làm nội dung của mình", Travip cho hay.
Đại dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho các vlogger, blogger du lịch hiểu hơn về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. Ảnh: Wanderful Dreamers. |
Khi được hỏi về nhận định điểm đến tiềm năng trong năm 2021, các vlogger/blogger đồng quan điểm Việt Nam còn nhiều nơi khám phá nhưng cách truyền thông chưa đủ. Họ đánh giá cao những nơi như Pleiku (Gia Lai), Tam Kỳ (Quảng Nam), Hà Tiên (Kiên Giang) hay Măng Đen (Kon Tum)...
Chia sẻ với phóng viên, một blogger nhận xét đại dịch khiến người dân "phát cuồng" du lịch và đi rất nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên, một số điểm đến lại có tình trạng "bỏ quên" khách nội địa.
"Người làm du lịch cần cân bằng hơn giữa khách nội và quốc tế. Về bản chất, khách hàng nào cũng như nhau. Họ đều có thể mang đến lợi nhuận và tiềm năng quảng bá du lịch", anh nói.