Du lịch 03/02/2019 09:03

Hồn chợ nay còn đâu!

Những người đàn bà gánh hai bó chiếu luôn miệng rao "Chiếu đây! Chiếu Bàn Thạch đây!" vốn rất quen thuộc với các làng quê miền Trung ngày nào tự dưng vắng dần trên các ngả đường.

Thi thoảng, có ai đó đạp xe qua ngõ, bỏ lại tiếng rao quen thuộc, chấp chới rồi vụt mất. Chừng như cái nghề dệt chiếu lừng danh một thời đang vào hồi buồn nhất thì phải.`

Với tôi, cái vùng xóm chợ ấy vốn rất quyến rũ. Từ ngôi nhà cũ của tôi hồi còn ở Xóm Trại, muốn đi Hội An, đi tắt qua ngã Bàn Thạch là tiện nhất, gần nhất. Chỉ cần đạp xe qua Xóm Gò, qua chiếc cầu tre, loanh quanh một đoạn là tới Bàn Thạch. Ngã khác, đi dọc theo sông ra chợ Cũ, chợ Mới - Duy Thành, qua một thôi đò là tới ngay chợ. Từ đây, qua đò Hà Tân tới Duy Vinh, ngược xuống Trà Nhiêu rồi ra Cẩm Kim. Lại thêm chuyến đò Cẩm Kim là tới Hội An. Bây giờ, chỉ cần mấy chục phút xe máy đã có mặt ở Hội An rồi, khỏi cần đò giang cách trở.

Hồn chợ nay còn đâu! - Ảnh 1.

Nhưng mà phải qua cầu, những 4 chiếc cầu! Bữa đi với đoàn nhạc sĩ Quảng Nam ghé lại Bàn Thạch là lần mới nhất ghé lại nơi này. Chợ đã được xây dựng khá bề thế và bán đủ thứ, như nhiều chợ quê khác ở Quảng Nam. Nhạc sĩ Phan Văn Minh, tác giả bài hát nổi tiếng "Cả nhà thương nhau", theo thói quen - nghĩa là đến chợ Bàn Thạch thì phải nghĩ ngay tới chiếu - đi hỏi mua chiếu, cũng phải loanh quanh một hồi mới gặp được một đại lý chuyên bán chiếu. Từ nơi này, chiếu Bàn Thạch tỏa đi khắp nơi. Chủ chiếu bảo, giờ khác lắm rồi, hồi xưa chỗ nào cũng thấy bán chiếu. Tôi nhớ, ngày trước đạp xe qua vùng này thấy người ta còn trồng đay ở khắp các hố bom hoặc các đám thổ ven đường, còn sợi lác dùng để dệt chiếu thì phơi khắp nơi, bày đầy. Cứ vài nhà đã thấy một nhà dệt chiếu. Người ta còn mang lác về đây theo ghe lên tận bãi cát Xóm Trại (xã Quế Phú) để phơi nữa kia. Bây giờ chừng như đã lui hẳn vào ký ức!

Trong một bài báo, Vũ Đức Sao Biển viết về chợ Bàn Thạch sầm uất ngày trước: "Chợ gồm có 4 khu, được xây dựng kiên cố trên nền xi-măng cao, lợp ngói; gồm các chợ: tôm cá, nông sản, chiếu, gạo đậu. Chợ tôm cá nằm bên hướng sông Thu. Nơi đây vào giác 2 giờ chiều, thuyền đánh cá từ biển về đưa tôm cá tươi rói lên, cân sỉ cho nậu nguồn mua chở xe thồ về cho các huyện trong tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức. Phần nào bán lẻ thì bà con tiểu thương mua lại để bán.

Nơi đây khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch, những chiếc ghe bầu Bình Thuận chở đầy ắp lòng khoang các loại mắm cá lò có, cá mòi, cá nục muối khô về tụ hội, chờ nậu nguồn xuống mua. Những ông lái ghe bầu lãng mạn đêm đêm chong đèn, một mình đóng nhiều vai, diễn những tuồng hát bội "Địch Thanh ly Thợn", "Tiết Nhơn Quý chinh đông"... Diễn thì cầu âu như vậy nhưng kết quả thì lại khả quan. Lâu lâu, người Bàn Thạch lại nghe trong làng có một bà góa nào đó… mất tích. Hóa ra, bà cuốn tượng dông theo lái ghe Bình Thuận mà những lời hát bội kia là tác nhân gây hậu quả vui vẻ cho cả đôi đàng.

Ba khu chợ còn lại cũng có những điều đáng nói. Làng tôi chuyên nghề dệt chiếu nên chợ chiếu là nơi đông đúc kẻ mua người bán. La liệt nào chiếu trơn, chiếu vẽ Phúc Lộc Thọ, chiếu nhỏ, chiếu lớn ngập tràn lối đi. Nếu người ta qua chợ cá nghe mùi tanh thì vào chợ chiếu lại nghe cái mùi thơm của cọng lác mới. Chợ gạo đậu bán toàn gạo, nếp và các loại đậu, là khu chợ "nghiêm trang" nhất. Hấp dẫn nhất vẫn là chợ nông sản. Bác nông dân kia ở Nhơn Bồi hái được một rổ ổi, chị nọ ở Nồi Rang chặt được một mớ mía, bà ấy bên Trà Nhiêu nhổ một rổ hành…, tất cả đều ra chợ".

Bàn Thạch gắn với tuổi thơ tôi hồi còn nhỏ. Đó là câu chuyện mọi người kể rằng hồi đó, các xã vùng đông Duy Xuyên nhập hết vào một xã lớn mang tên Duy Vinh, mẹ tôi hồi đó phải đi "sinh hoạt thanh niên" tận dưới ấy, chợ Bàn Thạch, đi xem hát cũng ở dưới đấy. Có bữa khuya quá, ngủ quên trên sân bãi, tới sáng mới giật mình, thức giấc hoảng hốt chạy về (!). Là những buổi anh em bọn tôi ngóng cổ chờ mẹ đi chợ về. Đi chợ khác thì bà hay về sớm, còn đi chợ Bàn Thạch mãi đến trưa trật. Nhớ, có lẽ vì đói do phải chờ mẹ về mới có cơm ăn!

Bây giờ, chợ Bàn Thạch cũng như mọi nơi khác, bày bán không thiếu thứ gì. Mẹ tôi từ lâu cũng không phải cất công đi chợ xa như trước. Có điều, cứ thấy có gì đó thiêu thiếu mỗi khi đi ngang cái chợ lừng danh một thời này. Lại nhớ tới những "quái kiệt" một thời lừng lẫy ở đây. Như là ông Trưởng Nhơn chuyên bán đũa với lời quảng cáo "huênh hoang", lối nói dóc không ai sánh bằng và lối làm hề duyên dáng. Là ông Phó Bảy chuyên nghề câu cá có một không hai. Là ông thầy thuốc Ba Thuật với những chiến công nhiều người còn nhắc tới. Và người đàn bà "huyền thoại" tên L. bị bệnh lao, sống một đời gắn liền với chợ, cùng những câu chửi dư sức "đưa vào kho tàng văn học dân gian". Họ, góp phần lưu giữ hồn cốt một ngôi chợ đậm nét văn hóa xa xưa - chợ Bàn Thạch.

"Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm/ Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai". Bây giờ, chiếu vắng dần, biết em còn chịu trải? Những "người muôn năm cũ" cũng thưa bóng, hồn chợ Bàn Thạch nay đâu?

Lê Trâm, ảnh nguyễn á

Tin liên quan

Viết bình luận

Ngày Tây Ninh tại Hà Nội: Nhiều trải nghiệm thực tế đang đón chờ du khách
1/10/2023 548
Một Tây Ninh nhiều tiềm năng thu hút đầu tư cùng vô số trải nghiệm đậm đà bản sắc sẽ được tái hiện vào ngày 7-8.10.2023, giữa lòng thủ đô, trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội. Ông Trần Anh Minh - Giám đốc Sở VHTT&DL Tây Ninh chia sẻ nhiều điều hấp dẫn về sự kiện này.
Một loạt các trải nghiệm độc đáo khiến Tây Ninh cực hot trong mùa Trung thu năm nay
20/9/2023 548
Dự Hội Yến Diêu trì cung tại Toà Thánh, lên núi Bà Đen dâng đăng mùa đoàn viên và xem triển lãm nghệ thuật độc đáo – đó là những trải nghiệm không thể bỏ lỡ trong mùa trung thu năm nay tại Tây Ninh.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới
17/9/2023 548
(NLĐO)- Vào 21 giờ 39 phút ngày 16-9 (giờ Việt Nam), tại Riyadh, Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới
Wyndham Grand KN Paradise Cam Ranh & Trân Châu Beach Resort tham gia sự kiện ITE HCMC 2023
7/9/2023 548
Sáng nay, ngày 7-9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn đã diễn ra lễ Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2023 (ITE HCMC 2023) với chủ đề “Liên kết, Phát triển, Bền vững”.
Giải mã giá trị văn hóa tâm linh và tiềm năng du lịch của Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới

Giải mã giá trị văn hóa tâm linh và tiềm năng du lịch của Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới

Tọa lạc tại Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat, Đơn Dương, Lâm Đồng, Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của du khách trong nước và...