Tháng 3, lúc đất trời còn vương cái ẩm ướt của mùa xuân là khi những chùm hoa xoan tím nhạt bừng nở, tỏa hương thơm ngát cả một góc trời… Để rồi mỗi một lần ta thấy những vầng xoan tím trắng bồng bềnh trong làn sương khói mờ ảo lại thấy những bình yên tạt về trong tâm khảm.
Sau một mùa ngủ đông dài trong giá lạnh với thân cành gầy guộc, khẳng khiu..., khi nắng xuân vừa đến, những cành cây ngỡ đã khô khốc kia lại bật lên những chồi xanh và chùm hoa tím biếc.
Qua một đêm mưa phùn những nụ xoan bừng thức, xoan nở nhanh một cách ngỡ ngàng. Thoạt đầu còn e ấp li ti, mấy hôm đã nở bung tím trắng cả một trời thương nhớ.
Mùi thơm hoa xoan không bay xa nhưng thoang thoảng trên những vòm tím ngát xum xuê. Sắc hoa xoan ấy đã từng làm nao lòng bao tao nhân mặc khách: “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”- Nguyễn Bính hay “Tháng ba về xuân dần hơn một nửa/ Ngõ nhà mình tim tím những nhành xoan” – Xuân Quỳnh.
Màu tím đặc biệt này gieo vào lòng người biết bao nỗi nhớ.
Hoa xoan thường nở thành từng chùm lớn ở mỗi đầu cành như những đám mây tím trắng nhỏ xinh, rực rỡ trên nền trời
Trên những con đường quê khắp Hà Tĩnh, chỉ với những bông hoa xoan ấy, trẻ con trong làng lại có thêm nhiều trò chơi mới.
Những bé gái dùng những cành hoa xoan kết làm vương miện, bó lại thành bó tròn như hoa cưới rồi chơi trò cô dâu chú rể hay đơn giản chỉ là tíu tít tụm năm tụm bảy bên nhau trêu đùa với hoa…
Hoa e ấp nở bên những mái nhà quê...
Hoa rụng còn mang màu tím nhàn nhạt...
Hoa xoan nhả vào không gian mênh mông làng quê một mùi hương thoang thoảng, man mác như gợi một điều gì đó đã xa.
Ở Hà Tĩnh, hoa xoan hiện diện khắp nơi, từ trong vườn nhà ra đầu ngõ vắng, từ những nẻo đường quê đang xanh mướt lúa thì con gái đến những ngả đường tấp nập nơi phố thị phồn hoa. Dân gian dùng lá xoan để dấm trái cây, tắm cho trẻ em để chống rôm sảy ngứa ngáy hoặc lót tổ cho gia cầm để tránh côn trùng. Gỗ xoan được đóng dùng những vật dụng trong gia đình vì chống được mối mọt và ít bị cong vênh...