Hội hoa Xuân Quận 7 - Phú Mỹ Hưng Tết Quý Mão 2023 với chủ đề Xuân Phồn vinh diễn ra từ ngày 24 tháng chạp đến Mùng 4 Tết (15/1 – 25/1/2023), tại khu Hồ Bán Nguyệt, đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM.
Tiểu cảnh Gia đình mèo
Với chủ đề Xuân Phồn vinh, Hội hoa Xuân Quận 7 - Phú Mỹ Hưng gửi lời chúc tốt đẹp đến khách tham quan về một năm phú quý, an khang, cùng câu chuyện 30 năm phát triển của Phú Mỹ Hưng trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại như hôm nay. Hội hoa Xuân Quận 7 - Phú Mỹ Hưng được chia làm 2 khu gồm khu Đường Xuân và khu chợ hoa Tết. Phần sân khấu được thiết kế hoành tráng, hiện đại là nơi diễn ra Lễ khai mạc vào tối 24 Tết và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Quận 7. Khu Đường Xuân là nơi truyền tải chủ đề chính có độ dài 700 mét nằm dọc theo bờ Hồ Bán Nguyệt, được chia làm ba phân đoạn chính gồm Phú – Mỹ - Hưng.
Tiểu cảnh Đại phú quý
Phân đoạn "Phú" có đại cảnh Gia đình Mèo với những chú mèo linh vật của năm trong trang phục truyền thống Việt Nam như một lời chúc đoàn viên, thịnh vượng đầu năm. Các tiểu cảnh thể hiện sự sung túc, thịnh vượng, phú quý như: Đại Sung Túc - một vụ mùa bội thu với những đồng tiền vàng lớn, chứa đầy ngũ cốc minh họa cho sự sung túc; Đại Cát Đại Lộc - những chiếc phong bao lì xì đỏ, biểu tượng của ngày xuân, của may mắn, tài lộc, được trang trí đỏ rực một đoạn đường; Đại Phú Quý - những đồng tiền vàng khổng lồ, biểu tượng của giàu sang, phú quý nằm giữa cánh đồng hoa hướng dương rực rỡ và tươi sáng; Đại Trù Phú – cánh đồng ngô trĩu hạt đang vào mùa thu hoạch, như một lời chúc gặt hái nhiều thành công trong năm mới đến khách du xuân.
Cung đường đa văn hóa với hàng trăm chiếc lồng đèn
Phân đoạn "Mỹ" là các tiểu cảnh thể hiện nét đẹp giao lưu văn hóa của Việt Nam và một số quốc gia đón cùng Tết, qua đó tạo nên cảm giác thân thuộc cho người nước ngoài đón tết tại Việt Nam.
Các tiểu cảnh ở khu vực "Mỹ" gồm có: Văn hóa Việt Nam với mô hình chiếc nón lá khổng lồ, được kết từ hàng trăm chiếc nón lá nhỏ; Văn hóa Trung Hoa với cụm trang trí Lân Sư Rồng, một nét văn hóa cổ truyền của người Hoa trong dịp Tết, với ý nghĩa cầu chúc một năm mới hanh thông, phát đạt; Văn hóa Hàn Quốc với mô hình Cung điện Phúc Cung, một biểu tượng di sản văn hóa lâu đời của Hàn Quốc; Văn hóa Nhật Bản với Mèo Maneki-Neko, biểu tượng của may mắn, tài lộc. Ở cuối khu vực "Mỹ" là tiểu cảnh cung đường đa văn hóa với hàng trăm chiếc đèn lồng của Hội An (Việt Nam), lồng đèn đỏ Trung Hoa, lồng đèn Chou Chin (Nhật Bản),… tạo thành một cung đường rực rỡ sắc màu, thể hiện sự giao thoa của các nền văn hóa.
Bến hoa đăng
Phân đoạn "Hưng" thể hiện sự phát triển và những hy vọng về tương lai tươi sáng với cột mốc là năm 2023, năm kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng. Các tiểu cảnh của khu vực này như: Đô Thị Xanh được trang trí bằng những vật dụng tái chế (vỏ chai, vỏ xe), mang thông điệp gần gũi với thiên nhiên, hướng đến bảo vệ môi trường; Cánh đồng hoa cải vàng và Cánh đồng lúa xanh mang đến những màu sắc rực rỡ, trẻ trung như màu xanh và sức trẻ của khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở tuổi 30; Cây điều ước và Bến hoa đăng là nơi để khách du xuân gửi gắm những kỳ vọng, ước mong của mình trong những ngày đầu năm mới; tiểu cảnh 2023 Rực Sáng với bộ số của năm được trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc.
Hội hoa Xuân Quận 7 - Phú Mỹ Hưng tiếp tục duy trì khu vực Chợ hoa Tết, nhằm phục vụ cư dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng và người dân ở khu vực phía Nam thành phố, mở cửa từ ngày 23 đến 30 Tết, với khoảng 145 gian hàng hoa, kiểng đến từ các nhà vườn ở TP HCM, Bến Tre, Đồng Tháp,…