Cuộc sống du mục của 60 con người giữa đồng cỏ Mông Cổ
Hàng năm, giữa rừng già Taiga, nơi giáp ranh giữa biên giới nước Nga và Mông Cổ, người Tsaatan cùng đàn tuần lộc di chuyển 5-10 lần trên quãng đường vài chục đến hàng trăm km. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, bất kể đàn ông hay phụ nữ, tất cả 60 người còn lại trong bộ tộc đều thấm nhuần lối sống du mục đặc biệt đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Hành trình di chuyển bắt đầu vào cuối tháng 4, khi tài nguyên thiên nhiên không còn đủ để duy trì cuộc sống của họ và thú nuôi.
Từ phía bắc cánh rừng Taiga, những người dân du mục dần di chuyển cùng đàn tuần lộc và những vật nuôi khác xuống phía nam. Hành trình này không cố định thời gian mà hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên từng năm. Sau quãng đường dài di chuyển trong thời tiết khắc nghiệt, đến nơi ở mới, người dân bộ lạc sẽ treo đồ đạc, vật dụng cần thiết của gia đình lên những chiếc cọc 3 chân để tránh bị thú rừng tha đi. Họ bắt đầu kiếm gỗ dựng lều và có cuộc sống tại vùng đất mới ngay sau đó. Đến với Tsaatan, có lẽ ai cũng sẽ ấn tượng với những chiếc sừng to đẹp của tuần lộc.
Sau mùa sinh sản, sừng của tuần lộc đực sẽ rụng. Người dân sẽ dùng những chiếc sừng này để làm đồ lưu niệm, mỹ nghệ cho gia đình và quà tặng khách quý. Nếu có dịp gặp gỡ bộ lạc này, bạn sẽ rất nhớ hình ảnh những người dân chất phác, hiền lành, sống tự nhiên cùng cây cỏ và nền văn hóa du mục đặc sắc. Tuần lộc trắng, chiếc lều nhỏ xinh xinh và những đứa bé trên lưng tuần lộc giữa thảo nguyên bao la, hùng vĩ là dấu ấn sâu sắc trong hành trình khám phá của du khách. Một cuộc sống bình dị nhưng đầy hạnh phúc giữa thiên nhiên.
Người huấn luyện đại bàng trên thảo nguyên
Người Kazakh có câu ngạn ngữ: "Một con ngựa phi nhanh và một chú đại bàng thiện chiến là đôi cánh của người du mục". Từ 4.000 năm trước, bộ tộc trên cao nguyên Mông Cổ đã có truyền thống thuần hóa và nuôi đại bàng vàng. Mỗi lần đi săn, người Kazakh thường di chuyển bằng ngựa, trên tay là một con đại bàng to lớn để săn cáo, thỏ, lấy lông hoặc lấy thịt. Sau khi được tung lên không trung, đại bàng sẽ liệng một vòng thật đẹp mắt để xác định chính xác vị trí con mồi và lao xuống tốc độ lên đến 200 km/h. Với chiếc mỏ sắc cùng bộ vuốt cong nhọn hoắt, con mồi nhanh chóng bị hạ gục.
Bazarbai Matei (26 tuổi) là một trong những người huấn luyện đại bàng đi săn rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm ở đây. Anh được cha dạy cách huấn luyện đại bàng săn mồi từ nhỏ. Đại bàng cùng anh phi ngựa rong ruổi khắp thảo nguyên để sinh tồn.
Bazarbai Denislom (5 tuổi) là con trai của Bazarbai Matei. Niềm vui của Denislom là được cùng cha chơi đùa với chim và đàn cừu. Vì trường học ở khu vực trung tâm cách xa nhà khoảng 130 km và điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cậu không được đi học. Từ nhỏ, cậu bé đã được cha cho một con chim ưng nhỏ để tập luyện. Cuộc sống du mục nay đây mai đó khiến nguồn nước của họ phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.
Hàng ngày, cha con nhà Bazarbai cùng nhau cưỡi ngựa đi lấy nước từ những hồ đã đóng băng về sử dụng. Trên băng tuyết lạnh buốt vang lên tiếng cười giòn tan của cậu bé và giọng ấm áp của vị cha trẻ, khuôn mặt lạnh lùng, dáng vẻ hùng dũng của người huấn luyện đại bàng đi săn đã thay thế bằng sự hiền từ và tình yêu thương khi bên cạnh con trai mình.
Tình cảm là vậy nhưng họ lại là bộ tộc mạnh mẽ nhất Mông Cổ khi có thể sinh tồn mạnh mẽ và bám trụ lại thảo nguyên mênh mông trong điều kiện khắc nghiệt qua nhiều thế kỷ. Huấn luyện đại bàng vàng rồi cùng nhau phi ngựa, bay lượn trên thảo nguyên Mông Cổ là niềm hạnh phúc của những người Kazakh. Họ sống với tự nhiên, thuận theo tự nhiên và duy trì sự sinh tồn trong tự nhiên.
Với triết lý sống ấy, người Kazakh giữ đại bàng bên mình đến một thời điểm nào đó lại trả chúng về với tự nhiên để tiếp tục sinh sản, duy trì nòi giống cho các thế hệ con cháu sau này. Cha và con người Kazakh sẽ luôn rong ruổi trên yên ngựa cùng với đại bàng để tiếp tục giữ gìn truyền thống văn hóa của bộ lạc.