Con đường chính dẫn vào trung tâm thị trấn nhầy nhụa bùn đất và đang bị "băm nát" bởi lượng xe quá khổ, quá tải lưu thông hằng ngày. Một Sa Pa mộng mơ, yên ả trong sương, một "thiên đường" du lịch dường như đã trở thành quá khứ.
Con đường chính dẫn vào trung tâm thị trấn Sa Pa bị "băm nát" và luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Ảnh: Lê Tuấn
Cảm giác đầu tiên chúng tôi đặt chân tới thị trấn Sa Pa (Lào Cai), nơi có đỉnh Phan Xi Păng nổi tiếng, được mệnh danh là "thiên đường" du lịch là nuối tiếc. Điều nuối tiếc đầu tiên đó là đường sá. Không nói gì lưu thông bằng các phương tiện khác, ngay đi bộ cũng rất khó khăn. Tôi vốn biết Sa Pa luôn chịu ẩm ướt của sương mù cộng với mưa triền miên khiến du khách chen nhau đi bộ chật cứng vỉa hè. Nếu du khách đi xuống lòng đường sẽ lội bì bõm trong ổ trâu, ổ gà hoặc bị các phương tiện đi qua té bẩn hết người. Mỗi du khách đến đây đều phải ngạc nhiên thốt lên, ở thành phố tắc đường đã đành, lên Sa Pa cũng gặp vấn nạn này. Vẫn biết, ngày nghỉ lễ, Tết, lượng du khách đến với thị trấn này tăng gấp bội, nhưng không phải vì lý do này mà để đường bị "băm nát", rồi xe cộ không đi đúng phần đường và cũng không đi theo chỉ dẫn.
Được biết, Sa Pa bắt đầu chuyển mình kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe vào đầu năm 2014. Những dự án nghìn tỷ cũng theo đó mà hình thành. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... mọc lên che kín đồi thông xanh. Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, số lượng ô tô đến thị trấn Sa Pa mỗi ngày khoảng 6.000 - 8.000 chiếc. Các phương tiện, kể cả xe tải đều phải đi qua trung tâm thị trấn gây ách tắc thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch.
Trong khi đó, do nguồn vốn khó khăn, tuyến đường BOT kết nối Lào Cai - Sa Pa triển khai chậm. Tuyến đường sắt khổ rộng 1.435mm chưa được nghiên cứu cụ thể và dự án sân bay Lào Cai vẫn chưa được khởi công xây dựng. Khi màn đêm buông xuống, du khách cũng không còn cảm nhận được sự yên bình của thị trấn trong sương mà thay vào đó là tiếng gầm rú của những chiếc xe tải trọng lớn, tiếng máy xúc, máy ủi cứ ầm ào từ đầu tối đến sáng.
Một bất cập khác của Sa Pa là rất ít bãi đỗ xe. Kiếm một chỗ gửi xe máy cũng khó, nói gì đến chỗ đậu của ô tô. Ngay đoàn chúng tôi loay hoay mãi vẫn không thể tìm được chỗ đỗ xe để vào khu vực nhà thờ cổ hay chợ tình. Thêm vào đó là các nhà hàng mọc lên theo kiểu mạnh ai người nấy làm, không theo một quy chuẩn nào. Cái nhô ra, cái thụt vào khiến cả một dãy phố trung tâm trở lên rất lộn xộn.
Không chỉ có cảm giác tiếc nuối về một Sa Pa thay đổi ồ ạt, chúng tôi còn không khỏi xót xa cho thân phận những em nhỏ bị cha mẹ đẩy ra đường bán hàng kiếm sống. Nhiều em chưa đầy 10 tuổi địu trên lưng đứa em của mình chỉ mới vài tháng tuổi, tay cầm xâu quà lưu niệm lẽo đẽo dưới trời mưa, sương mù để đeo bám, nài nỉ khách mua hàng. Dù còn ít tuổi, nhưng các em được cha mẹ "huấn luyện" rất kỹ lưỡng, bài bản, từ những câu chào mời khách đến việc nài nỉ, đeo bám du khách, ép mua bằng được.
Theo người dân địa phương kinh doanh nhà hàng ở đây kể lại, đã có không ít những vụ các đối tượng xấu bắt cóc các em lừa bán sang bên kia biên giới. Và thiết nghĩ, việc các em nhỏ nơi đây nếu có đối tượng mua bán, bắt cóc trẻ em thì quá dễ dàng với chúng. Tôi bắt chuyện một em nhỏ, tên là Vàng The May, năm nay 8 tuổi, mặc chiếc áo mỏng tang không cài khóa, đầu tóc ướt sũng bởi sương, trên lưng địu em gái của mình. Em gái em tên Vàng Pa The, mới 1 tuổi đang lim dim ngủ trong địu. Khi tôi hỏi bố mẹ đâu, em trả lời, bố mẹ đi bán hoa phong lan ngoài chợ. Tôi hỏi, địu em bán hàng cả ngày hay sao? Bé cười: Vâng, khi nào vãn khách, em khóc quá thì địu về để mẹ cho bú rồi lại tiếp tục địu em đi bán đến tối...
Được biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu du khách. Vẫn biết, để thị trấn Sa Pa trở thành thị xã thì buộc phải mở rộng diện tích nhằm đảm bảo tiêu chí. Do vậy, việc xây dựng nhà cửa, phố phường, đường sá là không tránh khỏi. Nhưng quy hoạch phải đi đôi với bảo tồn và gìn giữ kiến trúc cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của Sa Pa mới có giá trị bền vững.
Đừng nên vì quy hoạch mà làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan sinh thái, biến Sa Pa trở nên bụi bặm ngày nắng, lầy lội ngày mưa, ngổn ngang gạch đá như một công trường. Và bao giờ đến với Sa Pa không còn xót lòng trước cảnh những em bé thất thểu mưu sinh trên phố? Bài học đắt giá cho cách làm du lịch nhiều địa phương vẫn còn đó! Rất mong Sa Pa sẽ mau chóng trở lại là một "thiên đường" du lịch mộng mơ, đáng yêu như xưa.