Câu chuyện này được ông Peter Cường Franklin, đầu bếp người Mỹ gốc Việt, cho biết tại chương trình giao lưu cùng khán giả với chủ đề "Sài Gòn đẹp lắm" do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức mới đây.
Ngoài Peter Cường Franklin, buổi giao lưu còn có 2 đầu bếp Mỹ gốc Việt khác là Tristan Ngo và Mark Ton. Họ đang sinh sống, làm việc và sở hữu các nhà hàng ẩm thực Việt và Mỹ nổi tiếng tại TP HCM.
Là những người thành danh trong lĩnh vực ẩm thực nhưng những đầu bếp kỳ cựu này nhìn nhận việc đầu tư nhà hàng tại TP HCM gặp rất nhiều thách thức. Theo họ, việc mở nhà hàng ở TP HCM chẳng khác nào đi bán nước đá cho người Eskimo - người dân sống ở vùng băng tuyết quanh năm vốn không có nhu cầu về nước đá. Còn nói theo kiểu người Việt là "chở củi về rừng" vì Sài Gòn đã có quá nhiều nhà hàng, nhiều món ngon nên để thành công trong lĩnh vực này cần sự khác biệt thật sự.
Theo Peter Cường Franklin, những món ăn đường phố của Việt Nam rất nổi tiếng thế giới nhưng được định vị là món ngon-rẻ. Còn khi nhắc đến những món ăn "sang chảnh" thực khách sẽ nghĩ đến món ăn Âu, Mỹ hoặc Nhật. Vì vậy, đầu bếp này quyết định thử nghiệm món bánh mì và phở chất lượng hơn, giá cao hơn nhưng bị khách hàng chê đắt. Cụ thể, nhà hàng bán tô phở 150.000 đồng bị khách hàng so với tô phở 45.000 – 50.000 đồng phổ biến trên thị trường; rồi ổ bánh mì 50.000 – 60.000 đồng bị đem so sánh với bánh mì chỉ 15.000 – 20.000 đồng đã đủ ngon ở những nơi khác.
Ổ bánh mì 100 USD của vị đầu bếp Việt kiều - Ảnh: Website nhà hàng
Thất bại nhưng không nản, đầu bếp này quyết định làm món bánh mì gấp 100 lần bình thường (100 USD/suất, tương đương hơn 2 triệu đồng/suất) nhằm thay đổi định kiến về việc bánh mì là phải rẻ. Thật bất ngờ là món bánh mì giá cao ngất ngưởng của Peter Cường Franklin lại được nhiều người tò mò, tìm hiểu.
"Họ chỉ trích về mức giá, họ tò mò, họ bàn tán và món ăn này trở nên "hot" ở nhà hàng. Đây là món không làm sẵn, khách muốn dùng phải đặt trước. Hơn một năm qua, chúng tôi đã bán được rất nhiều. Tương lai tôi còn muốn làm ổ bánh mì hay tô phở có giá gấp 1.000 lần bình thường với những nguyên liệu thượng hạng "- đầu bếp Việt kiều tiết lộ.
Peter Cường Franklin trong một lần chia sẻ về bánh mì tại TP HCM
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà hàng của Peter Cường Franklin nằm ở gần chợ Tôn Thất Đạm (quận 1). Món bánh mì 100 USD của nhà hàng sử dụng những nguyên liệu cao cấp như sườn nướng, gan ngỗng, trứng cá tầm,… Khách đặt món chủ yếu là Việt kiều và người nước ngoài.
Peter Cường Franklin tốt nghiệp Đại học Yale, rất thành công trong việc đầu tư ngân hàng nhưng sau đó quyết định theo đuổi ước mơ của mình trong ngành ẩm thực. Trước khi về quê hương mở nhà hàng vào tháng 4-2017, ông đã rất thành công trong lĩnh vực này ở Hồng Kông (Trung Quốc) với nhà hàng có tên tiếng Việt là Chôm Chôm.
Tuy trở về TP HCM đầu tư và có những thành công nhất định trong lĩnh vực nhà hàng nhưng các đầu bếp Việt kiều Mỹ đều cho biết không có ý định mở chuỗi để nhân rộng mô hình.