Ông Lê Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết ngay từ đầu năm 2013, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về việc đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Từ khi nghị quyết ra đời, lãnh đạo UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động một cách cụ thể và chỉ đạo cho các ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện nhiều công trình trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa nhằm tạo điểm nhấn để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch.
Nhiều lựa chọn cho du khách
Cũng theo ông Hiệp, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100 km tiếp giáp với 2 tỉnh Tào Keo và Kandal (Campuchia) và được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, An Giang còn là quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng với khu lưu niệm của Bác Tôn tọa lạc trên vùng đất cù lao Ông Hổ xanh ngát ở giữa dòng sông Hậu.
Chính vì vậy, hiện An Giang đang tập trung vào 4 loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh là du lịch tâm linh; tham quan, nghỉ dưỡng; sinh thái, sông nước và tham quan các di tích văn hóa, lịch sử tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng như Khu Du lịch núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và núi Sam (TP Châu Đốc) với miếu Bà Chúa Xứ…
Khu rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), hồ nước Búng Bình Thiên (huyện An Phú), sẽ tiếp tục được đầu tư để du khách có thể được trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng. Tại 3 xã thuộc cù lao Giêng của huyện Chợ Mới như Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân sẽ hình thành cụm di tích và du lịch miệt vườn với những sản phẩm đặc thù. Du khách đến đây có thể vượt sông Tiền, sông Hậu về vùng Thất Sơn tham quan cụm di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc - Đồi Tức Dụp - Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc của huyện Tri Tôn.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư
Không để khách bị "chặt chém"
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, trong năm 2018, tỉnh này đón hơn 8,5 triệu lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong năm qua ước đạt hơn 4.800 tỉ đồng, vượt 112% so với kế hoạch.
Để thu hút nhiều hơn nữa lượng khách trong và ngoài nước đến An Giang, UBND tỉnh này xác định cần đầu tư mạnh hơn nữa về hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ nhằm kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực. Trong đó, An Giang đã đầu tư 11 tuyến tỉnh lộ và quốc lộ kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh và 1 cảng thủy nội địa đón hành khách tại TP Châu Đốc. Trong giai đoạn 2016-2020, An Giang tập trung vốn đầu tư các dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu du lịch với tổng vốn cân đối khoảng 3.826 tỉ đồng (ngân sách tỉnh 2.182 tỉ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 810 tỉ đồng và ngân sách trung ương là 1.644 tỉ đồng).
Để xây dựng hình ảnh An Giang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, UBND tỉnh An Giang giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM thực hiện đề án xây dựng hình ảnh tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng 2025. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý về du lịch tại địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng chèn ép, đeo bám, lừa đảo hoặc "chặt chém" du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh trong khu, điểm du lịch có ý thức trách nhiệm trong việc cải thiện môi trường, cảnh báo du khách cảnh giác trước những thủ đoạn của những đối tượng có liên quan…