NGT đã chỉ đạo Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA) ban hành thông tư hướng dẫn các hãng hàng không nội địa và quốc tế tuân thủ nghiêm quy định. Nếu hãng nào để máy bay của mình xả chất thải xuống đất khi đang bay, hãng đó phải nộp phạt khoản tiền đền bù môi trường 50.000 rupee (730 USD).
Trường hợp máy bay hạ cánh và bị kiểm tra đột xuất mà bồn chứa chất thải trống rỗng thì hãng hàng không quản lý máy bay đó cũng sẽ bị phạt.
Số tiền thu được sẽ được dùng cho mục đích bảo vệ môi trường. NGT cũng yêu cầu DGCA thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận khiếu nại.
Ấn Độ sẽ phạt hãng hàng không nào để máy bay xả chất thải xuống đất khi đang bay. Ảnh: REUTERS
Chánh án Swatanter Kumar cuả NGT cho biết đã nhận được đơn khiếu nại của sĩ quan quân đội về hưu Satwant Singh Dahiya, trong đó nói rằng một chuyến bay đã xả chất thải xuống sân thượng ngôi nhà của ông gần sân bay ở thủ đô New Delhi.
“Trong hơn một tuần nay, các bức tường và sân thượng nhà chúng tôi dính đầy phân người rớt xuống từ máy bay vào ban đêm. Lần cuối cùng xảy ra tình trạng này là vào đầu tháng 10. Chúng tôi đã phải chi 50.000 rupee để sơn lại nhà” – ông Dahiya phàn nàn.
NGT sau đó yêu cầu Uỷ ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương (CPCB) cử một kỹ sư môi trường tới kiểm tra ngôi nhà của ông Dahiya. Kết luận của CPCB cho thấy đúng là nhà ông Dahiya bị dội phân người nhưng không rõ nguồn gốc từ đâu.
NGT trước đó đã phạt hai Bộ Môi trường và Hàng không Dân dụng số tiền 5.000 rupee vì không nộp báo cáo kiểm tra liên quan đến khiếu nại của ông Dahiya.
Thông thường, chất thải trong bồn chứa trên máy bay được nhân viên dưới mặt đất xử lý khi máy bay hạ cánh. Tuy nhiên, có những trường hợp bồn chứa này bị rò rỉ lúc máy bay vẫn còn trên không trung.