Thoạt nhìn thì Tordesillas, một thành phố nhỏ nằm ở bờ sông Duero thuộc tỉnh Valladolid - Tây Ban Nha, chỉ giống như bao thị trấn bình thường khác với một khu phố cổ, tòa thị chính và những nhà thờ có từ thời trung cổ. Tuy nhiên, chỉ cần nhắc đến tên thị trấn này tại São Paolo, Cartagena hay bất kì thành phố nào ở Trung và Nam Mỹ, nhiều người sẽ ngay lập tức nhận ra.
Vào năm 1494, thị trấn Tordesillas chính là nơi Tây Ban Nha (khi đó có tên là Vương quốc Castile) và Bồ Đào Nha phân chia các vùng đất họ mới phát hiện và nhờ đó tạo thành nền tảng để Brazil trở thành quốc gia duy nhất nói tiếng Bồ Đào Nha ở châu Mỹ.
Vị trí địa lý của thị trấn có lẽ là điều khiến nơi này trở thành địa điểm hoàn hảo cho các cuộc đàm phán của Hiệp ước Tordesillas. "Thị trấn này nằm ở vị trí hết sức quan trọng. Ở đây còn có cả một tòa lâu đài và mọi thứ đều cho thấy rằng hiệp ước đã được ký kết tại đây" - ông Miguel Angel Zalama, giáo sư về Lịch sử Nghệ thuật tại trường ĐH Valladolid và là giám đốc Trung tâm Tordesillas về Quan hệ Ibero - Mỹ, nói.
Thị trấn Tordesillas. Ảnh: Spain.info
Tuy nhiên, lý do khiến 2 quốc vương của Vương quốc Castilla chọn thị trấn nhỏ này làm nơi ký hiệp ước không chỉ nằm ở những khu phố hoàng gia hay lợi thế địa lý mà còn vì mối quan hệ với Bồ Đào Nha.
"Với những tên gọi như 'lừng lẫy, cổ kính, được tôn vinh, trung thành và cao quý", thị trấn Castilla được liên kết bởi lịch sử truyền thống với Bồ Đào Nha. Vào thế kỷ 14, Nữ hoàng Mary và Quốc vương Beatriz của Bồ Đào Nha từng sống tại thị trấn này. Có lẽ đây là một hành động chính trị để người Bồ Đào Nha cảm thấy thoải mái hơn trên vùng đất trung lập" - ông Ricardo Piqueras Cespedes, giáo sư môn Lịch sử tại trường ĐH Barcelona, giải thích.
Quốc vương Isabella và Ferdinand của Castilla có những lý do chính đáng để xoa dịu Bồ Đào Nha. Mặc dù được bàn bạc kỹ lưỡng trong tháng 5, 6-1494, Hiệp ước Tordesillas lại là một quá trình kéo dài cả năm ròng với những bất định, với khả năng xảy ra chiến tranh giữa 2 nước và sự lo lắng của Tây Ban Nha về vai trò của mình trong các cuộc chinh phục Đại Tây Dương.
Quá trình đàm phán bắt đầu sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus trở về từ chuyến ra khơi đầu tiên và bất ngờ gặp một cơn bão nên buộc phải thả neo gần thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha.
Mặc dù chuyến thám hiểm được quốc vương Ferdinand II và Isabella I của Castille tài trợ, ông Columbus buộc phải chia sẻ thông tin về những phát hiện của mình với quốc vương John II của Bồ Đào Nha. Vì được thuyết phục rằng những hòn đảo mới thuộc phạm vi của hiệp ước Alcáçovas-Toledo năm 1479, quốc vương John II liền tuyên bố chúng thuộc quyền thống trị của Bồ Đào Nha.
Quá trình đàm phán Hiệp ước Tordesillas kéo dài suốt 1 năm. Ảnh: Margarita Gokun Silver
Trong khi đó, ông Martin Alonso Pinzon, một hoa tiêu người Tây Ban Nha đi cùng với Colombus, tìm được cách trở về nước và ngay lập tức cấp báo tới Barcelona về những hòn đảo mới được phát hiện. Hoàng gia Castille liền phái các sứ giả đến Giáo hoàng Alexander VI để xác nhận phát hiện của Colombus.
Sau đó, giáo hoàng đã ban hành 3 giáo lệnh mới, trong đó bao gồm giáo lệnh hủy bỏ Hiệp ước Alcáçovas-Toledo vốn chia cắt Đại Tây Dương giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha dọc theo một đường ngang. Thay vào đó, một biên giới dọc từ cực này sang cực khác bắc qua Đại Tây Dương được hình thành.
Dĩ nhiên, người Bồ Đào Nha đã nổi giận. Ngoài việc để mất những hòn đảo mới, họ còn không có chỗ để hoạt động khi bắt các đầu các chuyến hải trình đến châu Phi vì đường phân chia chỉ dài khoảng 100 hải lý về phía Tây của quần đảo Cape Verde.
"Người Bồ Đào Nha muốn bảo toàn các thuộc địa tại châu Phi và những hòn đảo trên Đại Tây Dương. Đường phân chia đó là một cú sốc vì họ không thể nào vượt biển được nữa. Để ra khơi, họ cần các hướng gió thuận lợi nên đôi khi cần phải đi một vòng tròn lớn. Theo giáo lệnh mới, họ không thể làm thế vì sẽ lọt vào lãnh thổ của Castilla" - giáo sư Zalama giải thích.
Một biên giới dọc từ cực này sang cực khác, phân chia thế giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ảnh: Margarita Gokun Silver
Sau đó, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha liền tiến hành một loạt các cuộc trao đổi ngoại giao. Đến tháng 9-1493, nhà thám hiểm Columbus lên đường lần thứ 2 và hứa hẹn đem về những thông tin giúp ích cho cuộc đàm phán. Columbus đã vẽ một tấm bản đồ, trong đó vĩ độ của hòn đảo Hispaniola được nâng lên một vài độ Bắc, nằm trên cùng một đường với Quần đảo Canary. Hành động này nhằm đảm bảo quyền thống trị của Tây Ban Nha theo Hiệp ước Alcáçovas-Toledo.
Tuy nhiên, khi bản đồ của ông Colombus được gửi về, người Bồ Đào Nha đã chấp nhận sự phân chia theo chiều dọc. Vì chỉ quan tâm phần lớn đến việc tới châu Phi, quốc vương John II chỉ yêu cầu đường phân chia được chuyển đến 370 hải lý về phía Tây của quần đảo Cape Verde.
Theo thỏa thuận này, Bồ Đào Nha sở hữu tất cả các hòn đảo nằm ở phía Đông đường phân chia, bao gồm quần đảo Cape Verde và bờ biển châu Phi. Trong khi đó, lãnh thổ của Tây Ban Nha được mở rộng về phía Tây và bao gồm các hòn đảo mới được ông Colombus phát hiện.
Cả 2 nước đều không biết rằng đường phân chia mới băng ngang qua phần chóp của Brazil và khiến bờ biển phía Đông của nước này nằm trong quyền cai trị của Bồ Đào Nha. Một vài thế kỷ sau, Bồ Đào Nha đã mở rộng quyền ảnh hưởng của mình lên vùng đất này và biến Brazil thành đất nước nói tiếng Bồ Đào Nha duy nhất tại châu Mỹ.