Nghệ An, tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, thường chỉ được nhắc đến qua địa danh Cửa Lò nổi tiếng bởi từ lâu, phía Đông Nghệ An đã được khai thác và phát triển thành trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của tỉnh nhờ lợi thế nằm sát biển và có quốc lộ 1. Còn ngược lại, phía Tây tỉnh là sự khác biệt hoàn toàn, với sự hoang vu, nguyên sơ như từ thuở hồng hoang. Chỉ đến khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng, khu vực này mới được lôi ra khỏi đại ngàn, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Và nhờ đó, một địa danh kỳ thú đang dần được mọi người biết đến, đó là thác 7 tầng ở huyện miền núi Quế Phong.
Những tầng trên của thác.
Tuy không thuộc dạng “kinh thiên động địa” như hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình, nhưng thác 7 tầng trên con suối Huổi Đán nổi tiếng cũng làm ngất ngây cánh phượt thủ Việt. Với địa thế hiểm trở, đường đi không có nên trước khi xuất hiện đường Hồ Chí Minh, chẳng mấy ai bén mảng đến vùng đất này. Chính yếu tố ấy đã khiến Quế Phong sở hữu một khu dự trữ sinh quyển phong phú vào bậc nhất Việt Nam, có tên là Pù Hoạt. Và thác 7 tầng nằm ở chính giữa lõi rừng Pù Hoạt, trên con suối Huổi Đán chảy từ Lào sang.
Nằm ở chỗ kín đáo như thế, thác 7 tầng như một nàng công chúa kiều diễm bị nhốt trong một lâu đài tít tận trong rừng già, không ai biết tới. Tìm hiểu các thông tin thác 7 tầng trên các diễn đàn hay các trang mạng xã hội du lịch, hầu như chẳng thu thập được gì, mà chỉ nhắc đến con thác Sao Va ở Quế Phong mà thôi.
Thác Sao Va nổi tiếng nhưng về vẻ kiều diễm và hùng vĩ thì thua xa thác 7 tầng. Thác 7 tầng không phải con thác đơn lẻ mà là một quần thể thác như kiểu thác Bản Giốc nhưng với quy mô hoành tráng hơn. Quần thể thác 7 tầng nằm trải dài trên quãng đường 7 km, được chia thành 7 tầng nước lớn và hàng nghìn thác nhỏ khác nhau.
Để có được cái nhìn toàn cảnh về thác 7 tầng, du khách cần phải trekking hơn mười cây số đường rừng, theo sự chỉ dẫn của dân bản địa, leo lên phần địa đầu mới có thể phóng tầm mắt thâu toàn bộ 7 tầng tháp vào võng mạc. Đứng từ trên cao nhìn xuống, dòng nước suối Huổi Đán chảy xuyên qua rừng nguyên sinh Pù Hoạt, phi xuống vách núi như con rồng trắng uy phong, tóe hào quang trong vạn vạn hạt bụi nước tạo nên một cảm xúc kiêu bạc kinh người, khiến lòng khách lãng du muốn cất lên một tiếng hú dài khiến cả vũ trụ cũng phải rùng mình. Cũng có đoạn thác mềm mại như dải lụa bạch, quấn quanh những thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, dày đặc những rêu phong và chằng chịt tầm gửi, tạo nên một bức tranh thủy mặc mê hoặc hồn người.
Từ thuở hồng hoang, vùng đất này cũng là nơi xảy ra các kiến tạo địa chất thế nên hình sông thế núi hiểm trở, hùng vĩ với những vết đứt gẫy độc đáo, lại trải qua quá trình phong hóa, thủy hóa hàng nghìn năm, bị gió và nước mài thành kỳ sơn dị thạch. Đá và nước ở thác 7 tầng cứ thế quyện lấy nhau, tạo thành một kỳ quan độc đáo, càng ngắm càng ngất ngây.
Cũng có những tầng thác, đá suối đã được mài mòn vẹt, trơn láng như bề mặt cầu trượt. Nếu bạn là kẻ đam mê mạo hiểm, hãy bước lên phía trên, lần ra giữa dòng nước chảy, ngồi xuống, giơ thẳng 2 chân để thử cảm giác lạnh sống lưng của trò trượt thác. Cứ yên tâm, cuối đoạn trượt thác là một vũng nước giảm sóc cực kỳ an toàn, lại có thêm những sợi dây bảo hộ và người bản địa đứng hỗ trợ.
Trượt thác.
Khác với câu “rừng thiêng nước độc”, nước ở thác 7 tầng không hề độc chút nào mà là nguồn cung cấp nước ngọt dồi dào cho dân địa phương. Họ coi con suối Huổi Đán là món quà của trời cho nên ra sức bảo vệ dòng suối khỏi nguy cơ bị xâm hại bởi rác, ô nhiễm và những thứ có hại.
Hùng vĩ, duyên dáng, cảm khái là những điều mà du khách cảm nhận được khi tới thăm thác 7 tầng. Nhưng sự nguyên sơ, vắng bóng người ở nơi đây mới tạo nên sự hấp dẫn và gọi mời. Nếu có dịp ghé vùng Tây Nghệ An, hãy đến Pù Hoạt để chiêm ngưỡng thác 7 tẩng, để uống hớp nước trong mát của suối Huổi Đán, để lắng mình bên bức tranh sơn thủy vẽ dải lụa trắng bay giữa đại ngàn, giữa những nếp ruộng bậc thang, cho tâm hồn được tưới tắm trong vẻ đẹp nguyên sơ như từ thuở hồng hoang.
Các thông tin cơ bản khi đến du lịch thác 7 tầng
Từ tháng 3 đến tháng 9 là thời điểm đẹp để khám phá thác 7 tầng.
Từ Hà Nội, theo đường Hồ Chí Minh đến thị xã Thái Hòa (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), rồi rẽ theo quốc lộ 48 đi Quế Phong. Đến ngã ba Phú Phương thì rẽ vào xã Hạnh Dịch, đi khoảng 10 km đến bản Thái cổ Mường Đán. Đến đây bắt đầu đi bộ vào rừng Pù Hoạt, dọc theo suối Huổi Đán để tìm đến thác 7 tầng.
Dù mới đi vào hoạt động dịch vụ, nhưng dịch vụ ăn uống ở đây khá tốt. Du khách có thể ăn các món đặc sản địa phương như cơm lam, gà thả đồi, cá suối… ngon và rẻ. Các đồ uống như nước suối, bia chai, bia lon, nước ngọt cũng đầy đủ. Trước khi đi chơi thác, chỉ cần đặt trước các nhà hàng là được.
Tại các bản Mường Đán và Huở Mương có dịch vụ nghỉ homestay. Còn nếu không, bạn có thể quay về trung tâm huyện Quế Phong để nghỉ ở khách sạn và nhà nghỉ.
Dịch vụ ăn uống ở khu vực thác 7 tầng.
Ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác, trekking lên thượng nguồn thác, du khách có thể giải trí bằng hoạt động chèo bè và, trượt thác tắm thác. Tiền thuê bè là 20.000 đồng/giờ. Tắm thác và trượt thác miễn phí. Ngoài thác 7 tầng, khi đến đây, du khách có thể kết hợp đi khám phá khu dự trữ sinh quyển và rừng nguyên sinh Pù Hoạt, tham quan thác Sao Va ở gần biên giới Lào, tham quan thủy điện Hủa Na với những đảo chè độc đáo.
Do hạ tầng du lịch ở đây còn hoang sơ nên chưa có địa chỉ số để du khách có thể đặt chỗ, liên hệ chỗ ăn nghỉ online. Tuy nhiên, bạn có thể hỏi thông tin qua chú Du, quản lý và kinh doanh dịch vụ trên bờ tại thác 7 tầng (Điện thoại: 0166 700 9848). Cần lưu ý, đây là khu vực biên giới và khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, du khách cần mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu và tuân thủ các quy định.
Đường đi vào thác.
Đường dẫn vào thác giữa những khu rừng.
Con suối nhỏ dưới chân thác.
Những tầng thác bên dưới.
Tầng thác trên.
Đi bè nơi lòng thác.