Hành động giả mạo này giúp những người gian lận không phải trả phí thuê taxi hoặc phí giấy phép cao ngất khoảng 7 triệu đô la Hồng Kông mỗi xe. Tuy nhiên, các nhà khai thác taxi hợp pháp lo ngại sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng khi ngành công nghiệp này vẫn luôn bị chỉ trích vì dịch vụ kém.
Vụ thứ nhất, một nữ hành khách bị ném ra khỏi taxi; còn vụ thứ hai, chiếc taxi đã bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi đụng chết một người đàn ông 60 tuổi. Cả 2 vụ việc đều khiến dư luận phẫn nộ và ngày càng làm tổn hại đến hình ảnh của ngành công nghiệp này.
Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 25-3 (giờ địa phương), một người phụ nữ 33 tuổi gọi taxi tại quận Wan Chai và muốn được chở tới Happy Valley. Tuy nhiên, tài xế đã từ chối và buộc cô này xuống xe.
Số lượng taxi mất tích tại Hồng Kông đang tăng cao. Ảnh: Felix Wong
Nữ hành khách này không đồng ý và cố gọi cảnh sát nhưng bị tài xế chụp lấy điện thoại ném ra ngoài rồi mở cửa phía sau. Khi cô này vẫn không chịu xuống xe, tài xế đã lái xe đi khoảng 30 m rồi bất ngờ đánh lái sang phải khiến người phụ nữ rơi ra ngoài. Sau đó, chiếc taxi liền bỏ trốn, để lại nạn nhân bị thương nằm trên đường.
Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết chiếc taxi bị nghi ngờ dùng biển số của một chiếc xe khác. "Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Chúng tôi chưa bắt được nghi phạm nào cả" - người này cho biết.
Trong vụ thứ hai, nạn nhân 60 tuổi bị một chiếc taxi đụng lúc 4 giờ ngày 20-5 khi đang đẩy xe tại một giao lộ ở khu Kowloon City. Máy quay an ninh cho thấy tài xế có dừng lại để kiểm tra thiệt hại rồi tiếp tục lái đi mà không hề giúp đỡ nạn nhân. Người đàn ông đã thiệt mạng sau đó.
Nữ phát ngôn viên thừa nhận cảnh sát cũng chưa bắt được nghi phạm nào trong vụ án thứ hai vì "đoạn video không ghi lại được biển số xe nên chúng tôi không thể xác định được. Chúng tôi không biết đó có phải là taxi giả hay không".
Cảnh sát điều tra hiện trường vụ tai nạn khiến nạn nhân 60 tuổi thiệt mạng. Ảnh: SCMP
Ngoài ra, ít nhất 2 vụ việc bị nghi có liên quan tới "taxi bóng đêm" cũng được báo cáo với cảnh sát trong năm nay. Vào tháng 2, một chiếc taxi giả bị phát hiện đậu tại khu Cheung Sha Wan, chỉ cách chiếc taxi thật có cùng biển số khoảng 200 m.
Dữ liệu thống kê của cảnh sát cho thấy số lượng những chiếc taxi mất tích ngày càng tăng lên trong vòng 5 năm qua: từ 14 chiếc trong năm 2012 tăng lên 24 chiếc trong năm 2016. Trong 4 tháng đầu năm nay, có 2 chiếc taxi bị báo mất tích. Chúng bị cho là được chuyển thành "taxi bóng đêm".
Ông Chan Man-keung, chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Taxi, chia sẻ rằng các nhà khai thác và tài xế rất muốn bắt giữ những chiếc taxi "chui" nhưng ông không thể xác nhận thông tin chúng đã tái xuất. Loại taxi này từng xuất hiện tràn lan vào năm 2003, khi nền kinh tế của đặc khu Hồng Kông đang khủng hoảng vì dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
"Cách tốt nhất để ngăn chặn tệ nạn này là tiến hành nhiều đợt kiểm tra taxi tại các điểm đen như sân bay để xem số khung có trùng với giấy phép hay không" - ông Chan nói.