Reuters ngày 14-7 dẫn một bức điện nội bộ được cho là của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gửi phái bộ ngoại giao của nước này tại 191 quốc gia trên thế giới, trong đó đưa ra một loạt tiêu chuẩn chia sẻ thông tin về quản lý người xin thị thực nhập cảnh (visa). Những quy định này không áp dụng trực tiếp tới các cá nhân muốn nhập cảnh Mỹ mà hướng tới chính quyền các nước sở tại.
Bìa một hộ chiếu điện tử với dấu hiệu nhận biết
Cụ thể, trong bức điện đề ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu đại sứ quán, lãnh sự quán đóng tại các nước thông báo danh sách yêu cầu mới cho giới hữu trách liên quan của quốc gia sở tại, đồng thời nhấn mạnh mục đích của hoạt động này là “hỗ trợ xác minh nhân thân người xin visa nhằm giảm thiểu nguy cơ đe dọa an ninh chứ không phải để áp đặt lệnh cấm thị thực đối với công dân bất kỳ nước nào”.
Tuy nhiên, sau 50 ngày kể từ thời điểm phát hành bức điện, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa sẽ lập danh sách báo cáo lên Tổng thống Donald Trump và quốc gia nào chưa đáp ứng các điều kiện, hoặc không cho thấy có kế hoạch đáp ứng, có thể sẽ bị đưa vào danh sách cấm vận nhập cảnh.
Hộ chiếu điện tử
Trong bức điện, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh khuyến cáo các nước phát hành hộ chiếu điện tử cho công dân hoặc ít nhất đang “tích cực triển khai kế hoạch sử dụng hộ chiếu điện tử”. Cơ quan này còn đưa ra hàng loạt câu hỏi dành cho giới chức sở tại của các nước không thuộc diện miễn visa (VWP), yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về hệ thống hộ chiếu cấp cho công dân để phục vụ việc xác minh danh tính người nhập cảnh Mỹ.
Chẳng hạn như có đang cấp hay dự định cấp hộ chiếu điện tử cho công dân hay không. Trong khi đó, 38 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc VWP không cần trả lời những câu hỏi này do công dân của họ bắt buộc phải có hộ chiếu điện tử khi tới Mỹ.
Hộ chiếu điện tử thực chất cũng là quyển hộ chiếu giấy chứa những thông tin bình thường như họ tên, ngày sinh… Tuy nhiên bên cạnh đó, hộ chiếu này sử dụng thêm công nghệ gắn chip chứa dữ liệu sinh trắc học của chủ sở hữu như dấu vân tay, con ngươi…
Trên bìa hộ chiếu có biểu tượng con chip cách điệu. Hộ chiếu gắn chip điện tử được cho là có chức năng bảo mật, chống làm giả và chống ăn cắp thông tin cao hơn hộ chiếu thường. Ngoài ra, Mỹ yêu cầu hộ chiếu điện tử phải lưu trữ cả ảnh chân dung kỹ thuật số của chủ sở hữu. Để kiểm tra, các khu vực xuất nhập cảnh phải trang bị thiết bị đọc chip nhưng hiện không phải nước nào cũng có hệ thống này.
Tính đến nay, trên thế giới có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai hộ chiếu điện tử, bao gồm 6 thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Philippines.
Siết chặt quy định
Ngoài hộ chiếu điện tử, theo bức điện, Bộ Ngoại giao Mỹ còn yêu cầu tất cả các nước chia sẻ thông tin về việc họ có thường xuyên báo cáo với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) về tình trạng công dân làm mất hay bị đánh cắp hộ chiếu hay không.
Ngoài ra, giới hữu trách các nước phải cung cấp “bất cứ thông tin cá nhân nào khác” của người xin visa khi được yêu cầu như chi tiết tiểu sử, thông tin sinh trắc học và quá trình di trú, đặc biệt là dữ liệu của các cá nhân bị cho là nghi can khủng bố hoặc tiền sử phạm tội.
Hôm qua, các cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ chưa trả lời các câu hỏi của phóng viên về những thông tin trên.
Trước đó, chính quyền Washington đã ban hành các sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi đối với công dân 6 nước Hồi giáo gồm Iran, Libya, Syria, Somalia, Yemen và Sudan. Hồi tháng 6, Reuters đưa tin Mỹ cũng đưa ra quy định cho phép quan chức lãnh sự nếu thấy cần thiết có thể yêu cầu người xin visa cung cấp số hộ chiếu cũ, thông tin sử dụng mạng xã hội trong 5 năm, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại và thông tin tiểu sử trong vòng 15 năm.