Đây là cuộc họp lần thứ 8, nhưng vẫn là những cái lắc đầu ngao ngán bởi sự chia rẽ trong nội bộ giữa các HDV, giữa các cty lữ hành trong nước và sự thiếu quyết đoán của các cơ quan nhà nước liên quan, cũng như sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan này với các cty lữ hành và HDV, khiến các đối tác Trung Quốc thao túng thị trường.
Du khách Trung Quốc dừng chân tại một cửa hàng tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh sáng ngày 27-9.
Nửa đêm vẫn gõ từng phòng để xin và dọa khách
Đây là tâm sự rất thật lòng và đầy chua chát của một nữ HDV có 16 năm kinh nghiệm.
Như chúng tôi đã liên tục phản ánh, từ lâu, thị trường du lịch khách Trung Quốc đã bị các đối tác Trung Quốc thao túng hoàn toàn, với việc ép giá đón khách với giá 0 đồng/khách/tour 3 đêm, 4 ngày. Để bù vào chi phí cho một tour và có lãi, các Cty trong nước và đối tác Trung Quốc tìm cách khai thác chính từ du khách, thông qua việc mời, ép du khách mua hàng, hoặc mua vé thăm quan các cảnh điểm với giá “cắt cổ”. Tất cả các công việc này đều được giao cho HDV thực hiện. Nghĩa là, ngay khi nhận khách, các HDV đã phải ôm món nợ hàng chục triệu đồng, nên suốt quá trình dẫn tour, luôn phải tìm cách kiếm tiền trả nợ và có chút lãi đem về.
“Tôi đã làm HDV được 16 năm nhưng không thể chịu nổi việc bán đầu khách cho HDV rồi tùy HDV xử lý. Nếu cố gắng thì vẫn tìm mọi cách kiếm tiền về được, nhưng ê chề lắm. Lúc nào đầu óc cũng ong ong làm thế nào để thuyết phục du khách mua cảnh điểm. Có đêm, 11h đêm tôi vẫn đi gõ từng phòng, để hết thuyết phục, xin xỏ rồi dọa dẫm, mắng khách…” – nữ HDV này chia sẻ.
Một số HDV cho biết, rất nhiều đoàn khách Trung Quốc khi trở về đến cửa khẩu để làm thủ tục về nước chua xót nói với họ rằng: Sẽ không bao giờ quay lại nữa, có miễn phí cũng không!.
“Nghe mà đau lòng lắm, nhưng không làm thế không được vì không thể bỏ tiền nhà mình ra để cho du khách đi du lịch miễn phí được. Lần nào cũng phải tính toán, dùng mọi chiêu trò để lấy tiền của khách nên chẳng còn đầu óc, thời gian làm nhiệm của của một HDV: giới thiệu cho du khách về đất nước, con người Việt Nam” – một nam HDV chia sẻ.
Tại cuộc đối thoại, một vị thanh tra du lịch từ Bộ VHTTDL, vừa mới đi kiểm tra ở Móng Cái về, cho biết: 9,10 giờ tối mà vẫn nghe thấy HDV điện thoại báo về cho điều hành tour: “Chúng nó (du khách) vẫn không chịu mua cảnh điểm”.
Lời cảnh báo cuối cùng
Các HDV cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi – giá tour – thì thị trường vẫn sẽ hỗn loạn. Theo đó, các ty lữ hành trong nước phải yêu cầu các đối tác Trung Quốc bán giá tour cho khách đúng giá thị trường, qua đó vừa đảm bảo lợi ích của HDV và du khách.
Bất bình với việc bị các đối tác Trung Quốc ép giá tour 0 đồng, hơn 100 HDV tiếng Trung đã thành lập riêng một chi hội để tuyên truyền, vận động không tiếp tay cho hành động phá hoại hình ảnh du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, hành động trên không hiệu quả bởi các cty lữ hành trong nước và các đối tác Trung Quốc lại thuê các HDV khác, thậm chí HDV bù nhìn (sitting guide), với nhiệm vụ chính là… ngủ thi với khách, bởi việc dẫn đoàn do HDV Trung Quốc thực hiện.
“Phát hiện thấy sitting guide đi phụ giúp cho HDV Trung Quốc hành nghề, gọi điện cho cơ quan chức năng thì họ nói không có người đến được. Quay video clip gửi cho họ thì cũng không xử lý” – nhiều HDV bức xúc.
Ngay sau cuộc đối thoại tại Hạ Long, các HDV và đại diện các cty lữ hành đã ngồi lại với nhau tại TP.Móng Cái và đi đến cam kết: Không giao khách với giá bằng 0 đồng cho HDV; không dung túng cho HDV Trung Quốc tham gia điều hành; có hợp đồng lao động đối với các HDV. Cách làm này buộc các cty lữ hành trong nước phải quay lại ép các đối tác Trung Quốc nâng giá tour về giá trị thật.
“Nếu đơn vị nào vi phạm thì chúng tôi sẽ phát các tờ rơi tại cửa khẩu, nói rõ cho du khách biết các thủ đoạn “chặt chém” du khách của các HDV, các cty lữ hành, cũng như niêm yết giá các loại mặt hàng, các cảnh điểm. Chẳng hạn như vé lên đảo Ti- tốp, vịnh Hạ Long chỉ có 50.000 đồng, nhưng các HDV thường lừa du khách bán với giá khoảng 800.000 đồng/vé” – anh Trần Nhuận Vinh – Chi hội trưởng Chi hội HDV tiếng Trung tại Quảng Ninh – cho biết.
Lẽ ra giải pháp này đã phải được làm từ lâu vì không quá tốn kém và cũng không mất công sức, nhưng sẽ góp phần chặt đứt việc kiếm lời bất chính của các HDV, các cty lữ hành, qua đó cũng sẽ buộc các đối tác Trung Quốc phải bán giá tour thật mới đủ kinh phí trang trải.
Tuy nhiên, nhiều nhà điều hành tour lo lắng, nếu làm căng ở Quảng Ninh, các đối tác Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang Lạng Sơn. Đã có dấu hiệu cho thấy các đối tác Trung Quốc đưa khách vào qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, rồi về nước qua cửa khẩu Móng Cái. Vì thế, theo các nhà điều hành tour, để ổn định thị trường khách du lịch Trung Quốc phải có sự chung tay của của các địa phương, bộ, ngành, DN, HDV…