Trời nắng như đổ lửa dù thi thoảng vẫn đón được vài cơn gió mát lành từ biển thổi vào. Xe chúng tôi chạy men theo con đường nhỏ vắng người, có những đoạn nhìn thấy biển và đi song song với biển. Nhưng đường càng lúc càng rời xa biển hơn và nhà cửa cũng thưa thớt dần.
Có rất nhiều ngôi mộ của các dòng họ nằm rải rác trên đường, trong vườn nhà. Tôi đã nghe rằng người Huế rất coi trọng việc xây cất mồ mả cho tổ tiên, xây hẳn những ngôi mộ tổ, rồi cả dòng họ hay người trong gia đình cùng tụ tập về một nơi. Nhưng khi thấy một ngôi nhà có đến 7 ngôi mộ bề thế xây quanh vườn, được trang trí tỉ mẩn, gặp ngay trong lúc đi ăn sáng ở đây, ai nấy đều không khỏi giật mình.
Làng mạc thưa thớt dần, nhường chỗ cho đầm nước và những ngôi mộ. Ban đầu chỉ lác đác vài cái, rồi đi miên man một hồi thấy toàn là mộ. Sởn cả gai ốc. Bây giờ đang là ban trưa, nắng chang chang, những nghĩa địa vắng tanh chẳng có ai.
Tò mò là cảm giác đầu tiên xâm chiếm lấy chúng tôi khi quyết định rẽ vào làng. Ngôi làng nhỏ vốn là một làng chài, tịnh không một bóng người. Chúng tôi dựng xe dưới bóng mát của rặng phi lao và tản ra mỗi người một hướng, tiến vào khu lăng mộ bề thế vẫn được gọi là “thành phố ma” giữa trưa nóng bức...
Càng vào sâu bên trong mộ càng nhiều, mở rộng sang cả hai bên, ra đến tận sát ven biển, do những người con xa xứ trở về xây dựng nên. Những ngôi biệt thự không người ở, chỉ có gió và cát vi vu không ngừng. Cửa đóng then cài, lặng im như tờ.
Càng tiến sâu vào trong làng chúng tôi lại càng kinh ngạc, các ngôi mộ đủ các hình thù kiểu dáng, đủ các màu sắc hoa văn, đủ các kích cỡ to nhỏ nằm sát cạnh bên nhau giống như khu nhà ở của những người đã mất. Còn có cả cây cối, hoa lá mọc xanh um tốt tươi.
Thay vì cảm giác rờn rợn khi đi vào nghĩa địa, giờ là cảm giác thích thú xem cái nào đẹp nhất, to nhất và hoành tráng nhất. Những ngôi mộ được xây vô cùng công phu và tỉ mỉ. Hình dáng được sử dụng nhiều nhất là hình ảnh nguyên mẫu các khu lăng tẩm triều Nguyễn với phiên bản thu nhỏ, nhưng chuẩn với từng lầu son gác tía, cột rồng phượng quấn quanh, đá cẩm thạch lát nền, vô cùng xa hoa lộng lẫy về màu sắc. Các nét chạm khắc tinh xảo đến khó tin.
Đi giữa những ngôi mộ với đủ màu sắc và kiểu dáng vào giữa trưa, không ai cảm thấy rợn mà thấy vui mắt và tò mò muốn xem người ta đã xây nên những ngôi nhà cho người đã mất với bao nhiêu kiểu dáng.
Mộ xây sau lớn hơn mộ xây trước.
Mấy chiếc máy ảnh thi nhau nháy lia lịa. Gặp cái nào “khủng” quá còn í ới gọi nhau ra xem. Tôi lang thang mỏi chân một vòng vẫn chưa hết, nhìn hoa cả mắt những màu sắc và các hình khối rồi tiến sâu dần, đến chùa An Bằng nằm sát biển, nơi tượng Quan Âm Bồ Tát nhìn ra biển khơi lộng gió suốt đêm ngày. Theo lời người dân ở đây, đi ba ngày cũng xem chưa hết mộ của làng.
Cách tốt nhất để ngắm toàn cảnh vùng mộ khổng lồ này là leo lên tháp chuông cao nhất của nhà thờ An Bằng. Chùa và nhà thờ là nơi yên bình nhất của làng và cũng là nơi để các con chiên cúng dầu đèn, mong sự yên an đến với những ngôi mộ và những người con đã rời nơi này ra đi về phía biển nhiều năm trước.
Những ngôi mộ có giá cả chục tỉ đồng.
Thú thực tôi thấy hơi tiếc tiền của. Nhưng "cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, còn cuộc sống bên kia thế giới mới là vĩnh cửu" là lời giải thích cho lý do vì sao mảnh đất này lại có nhiều ngôi mộ hoành tráng đến thế. Cũng vì lý do này, người ta sẵn sàng đổ tiền để xây cho mình nơi an nghỉ tuyệt vời nhất. Có rất nhiều ngôi mộ được xây sẵn và những ngôi mộ sau bề thế hơn những ngôi mộ trước. Nghe đâu có rất nhiều ngôi mộ được xây với mức giá tiền tỉ, thậm chí là cả chục tỉ đồng.
Tạm biệt “thành phố ma”, chắc sẽ chẳng bao giờ quên nơi này. Chúng tôi miết mải đi tiếp đến điểm cuối cùng là Lăng Cô, trước khi vượt đèo Hải Vân sang đất Đà Nẵng.