Nhưng “cảm” thì khá nhiều, “cảm nặng” nhất là chuyện trốn bão trong đồn cảnh sát trên đảo Cijin (Kỳ Tân) thuộc TP Cao Hùng, phía Tây Nam Đài Loan.
Liều mạng… sai lầm
Tôi đến Cao Hùng trưa 13-9 thì tới chiều đã thấy dòng người xếp hàng dài mua vé về quê ở ga xe lửa. Họ đi “trốn” Meranti, siêu bão mạnh nhất thế giới năm 2016 (tính đến nay), đồng thời về quê đoàn tụ gia đình nhân kỳ nghỉ trung thu 4 ngày.
Đêm 13-9, Meranti sượt qua phía Nam Đài Loan, sáng ra Cao Hùng chỉ thấy mưa lất phất. Không cam tâm bó chân trong khách sạn, tôi cùng bạn đồng hành bắt tàu điện ngầm đến Sizihwan (vịnh Tây Tử) để ra ngắm bến phà qua đảo Cijin. Nói là ngắm bởi đọc tin tức tôi đã biết bến phà đóng cửa, người bán vé ở ga điện ngầm Formosa Boulevard (ga điện ngầm đẹp nhất Đài Loan) cũng nhắc đi nhắc lại: “Phà không hoạt động!”.
Có lẽ bộ dạng lơ ngơ của chúng tôi khiến bác tài xe buýt tốt bụng trước cổng bến phà động lòng. Ông khoát tay: “Cijin? Lên đi, 11 giờ xe chạy, 12 giờ quay lại” (tôi dịch luôn cho gọn chứ chúng tôi trao đổi với nhau khá phức tạp: Ông ấy nói tiếng Hoa, tôi nói tiếng Anh và chúng tôi thêm hiểu nhau nhờ “động từ tu (to) quơ” – tức chỉ trỏ tá lả).
Thế là chúng tôi đánh liều lên xe mà không biết rằng còn có thể ra đảo Cijin bằng đường hầm xuyên biển. Gió càng ngày càng mạnh, mưa càng lúc càng nặng hạt, khi xe buýt dừng lại ở ven biển trên đảo, sóng đã quất rát vào bờ còn cây cối oằn mình.
Loay hoay ăn lót dạ trong cửa hàng tiện lợi gần đó, chúng tôi chạy ra xe buýt chỉ trễ vài phút và ngậm ngùi nhận ra dù bão xe vẫn chạy đúng giờ. Nhớ lời bác tài nói 14 giờ còn thêm chuyến nữa, chúng tôi bấm bụng lần vào đền Thiên Hậu ở cuối đường chờ đợi.
Gần tới “giờ lành”, chúng tôi trùm kín áo mưa, cố che cây dù bị gió thổi bật ngược ra được đồn cảnh sát ở đầu đường. Chưa kịp đánh tiếng tìm chỗ trú, bên trong đã mở cửa mời chúng tôi vào.
Mặc mưa gió, uống trà, ăn bánh trung thu cái đã!
Đồn cảnh sát Cijin khá nhỏ, lúc ấy có chừng 5-7 người. Mất một lúc giải thích, họ hiểu nhưng nhún vai với chúng tôi. “Xe buýt đi Sizihwan không quay lại đâu. Tàu điện ngầm từ Sizihwan về trung tâm Cao Hùng cũng ngừng rồi. Do typhoon (người Đài Loan gọi bão bằng từ tiếng Anh). Các bạn nên thuê khách sạn gần đây, đợi ngày mai phà chạy lại rồi về” - Huang Wei-Ting, cô cảnh sát trẻ nhất và nói tiếng Anh khá nhất đồn, chậm rãi nói.
Đã ở Đài Loan ngày áp chót, tiền không còn nhiều trong khi chiều hôm sau phải có mặt ở TP Đài Nam để bay về Sài Gòn, chúng tôi nhăn nhó lắc đầu. Thế là họ quay ra bàn bạc, cuối cùng bảo: “Đi taxi từ đây về khách sạn của các bạn rẻ hơn thuê khách sạn qua đêm nhưng lúc này không taxi nào chịu chạy ở Cijin. Chỉ còn một tuyến xe buýt ra Xiaogang (Tiểu Cảng, một quận gần đó), từ đó có thể bắt taxi. Các bạn cứ ngồi đây, khi nào buýt tới, chúng tôi sẽ gọi”.
Có điều, họ không để chúng tôi ngồi đợi suông. Họ đưa chúng tôi 2 chiếc bánh trung thu, cười nói “moon time”. Chiếc bánh nhỏ, nhân đậu đỏ (người Đài rất thích đậu đỏ)!
Rồi họ lấy ra một bánh trà Phổ Nhĩ – loại trà nổi tiếng đúc thành bánh, nước trà đỏ đậm và có mùi mốc, ra dấu hỏi chúng tôi uống không và đều đặn châm đầy mỗi khi thấy chén trà vơi đi. Ngoài trời mưa gió vẫn tơi bời, tiếng tôn bay chát chúa, tiếng đồ đạc bị gió cuốn khua ầm ĩ trên đường. Trong đồn cảnh sát, chúng tôi uống trà và ăn bánh trung thu!
Được một lúc, mưa gió ngớt chút đỉnh. Một anh cảnh sát thông báo: “Có taxi chịu đi đấy. Chúng tôi gọi xe nhé”. Anh còn nhiệt tình hỏi giá rồi cam đoan: “600 đô-la (Taiwan dollar, người Đài hay dùng thế với du khách), rẻ hơn tiền khách sạn”. Chiếc dù bị kẹt lại ở cửa taxi khi chúng tôi vội lên xe cũng được anh nhanh tay tháo giúp.
Chiếc taxi của bác tài lớn tuổi phăng phăng lao trên con đường vắng, chỉ thỉnh thoảng giảm tốc độ lách tránh những cái cây đổ hay chướng ngại vật do mưa bão quăng ra đường. Xe đưa chúng tôi về khách sạn dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ - dù trời đã tối sụp và mưa vẫn như trút - nhưng không vì thế mà “kỳ nghỉ trung thu” ở đồn cảnh sát Cijin bớt lung linh. Vậy đấy, đôi lúc sai lầm lại dẫn đến câu chuyện đáng nhớ nhất chuyến đi của bạn!
Anh cảnh sát vừa hết ca ra ngồi pha ấm trà Phổ Nhĩ
(Còn tiếp)