Xếp hàng chờ phỏng vấn thị thực tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM. Ảnh: Trung Hiếu
Trong bối cảnh có nhiều lo ngại trên thế giới vì những tranh cãi và trục trặc sau sắc lệnh hành pháp về di trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố hồi cuối tháng 1, thời gian qua đã xuất hiện nhiều tin đồn gây hoang mang cho những người Việt Nam muốn du lịch, học tập và làm việc trên đất Mỹ. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 14-2, Trưởng phòng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Mark McGovern đảm bảo rằng không có gì thay đổi.
Số thị thực cho người VN tăng
Ông McGovern nhấn mạnh: “Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục cấp thị thực cho những công dân Việt Nam đủ điều kiện. Công dân Việt Nam được chào đón đến Mỹ cho các hoạt động tham quan, học tập cũng như nếu có thị thực làm việc tại Mỹ. Mọi thứ vẫn đang chạy tốt như quy trình được triển khai trong 2 thập niên qua”.
Về câu hỏi người Việt Nam theo đạo Hồi hoặc từng đến các quốc gia Hồi giáo trong danh sách giới hạn nhập cảnh theo sắc lệnh của Tổng thống Trump liệu có bị ảnh hưởng không, Trưởng phòng lãnh sự Mỹ nhắc lại rằng Việt Nam không có tên trong nhóm bị hạn chế nhập cảnh (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen). Theo ông, cơ quan lãnh sự Mỹ “như thường lệ vẫn tiếp tục xem xét rất nhiều vấn đề liên quan đối với mỗi trường hợp xin visa định cư và không định cư”.
Về trường hợp du học sinh người Việt hoặc những người có thị thực làm việc tại Mỹ, Trưởng phòng lãnh sự nhấn mạnh không có thay đổi nào ảnh hưởng đến khả năng nhập cảnh hoặc quay trở lại Mỹ một cách hợp pháp của người Việt Nam. “Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, dù đến hay đi. Điều này vô cùng hữu ích trong việc tăng cường kết nối giữa nhân dân hai nước cũng như quan hệ song phương”, ông McGovern nói và cho biết thêm số thị thực được cấp cho người Việt trong thời gian qua còn tăng nhiều so với thời gian trước.
Ông Mark McGovern. Ảnh: Khả Hòa
“Đây là giai đoạn rất phấn khởi trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Hiện có trên 20.000 du học sinh người Việt tại các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ. Trong năm ngoái, chúng tôi đã cấp hơn 100.000 thị thực cho người Việt đến Mỹ với mục đích du lịch, làm ăn, học tập… Cả hai diện đối tượng định cư và không định cư đều sẽ giúp củng cố quan hệ song phương. Đây là giai đoạn vô cùng khởi sắc, và thật vui khi chứng kiến ngày càng có thêm nhiều người Việt nhận được thị thực đến Mỹ, qua đó nhân dân hai nước có thêm cơ hội học hỏi lẫn nhau”, Trưởng phòng lãnh sự Mỹ nói.
Câu hỏi xung quanh I-407
Hiện một số người lo ngại rằng sau khi về thăm Việt Nam và chuẩn bị trở lại Mỹ, họ có thể “phải điền đơn từ bỏ tư cách thường trú nhân”. Trưởng phòng lãnh sự McGovern cho biết có nghe những lời đồn đại xung quanh vấn đề này. Ông giải thích rằng mẫu đơn I-407 dành cho những người có “thẻ xanh” nhưng vì lý do nào đó mà muốn từ bỏ tư cách thường trú nhân. Tuy nhiên, theo ông McGovern, sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump không hề liên quan đến thủ tục I-407 ở bất kỳ khía cạnh nào.
Sắp có sắc lệnh mới?
Đối với thông tin về việc Tổng thống Trump sẽ sớm ban hành một sắc lệnh hành pháp mới nhằm thay thế sắc lệnh đang bị tòa án ra lệnh tạm ngưng, ông McGovern cho biết đến thời điểm này chưa có bất cứ sự thay đổi nào.
Hiện Nhà Trắng và các bộ ngành liên quan vẫn đang thảo luận về vấn đề này và chưa thể khẳng định trước điều gì. Tuy nhiên, ông McGovern cam kết phía Mỹ đảm bảo cung cấp đầy đủ những chỉ dẫn cần thiết để giới hạn đến mức thấp nhất ảnh hưởng có thể có đối với những người Việt Nam đến Mỹ.
Theo ông, nếu gặp trục trặc khi nhập cảnh Mỹ, hành khách Việt Nam có quyền liên lạc với sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán Việt Nam trên đất Mỹ để được hỗ trợ. Trong một số trường hợp, họ cũng có thể liên lạc với luật sư nếu không thật sự hiểu rõ tình cảnh của mình, nhưng ông McGovern cho rằng chuyện này ít khi xảy ra.
Ông tái khẳng định Mỹ và Việt Nam đang chia sẻ quan hệ dài lâu và đang ở mức thắt chặt hơn bao giờ hết, đặc biệt về khoản số người qua lại giữa hai nước. Do vậy, sẽ không có bất cứ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với người Việt Nam và thường trú nhân. Khả năng nhập cảnh hoặc quay lại Mỹ của công dân Việt Nam hoặc những người sinh sống và làm việc trên đất Mỹ cũng sẽ không bị ảnh hưởng