Dù rất ít được biết đến nhưng dãy núi Chiricahua là trung tâm của vùng Bắc Mỹ Cordilera, khu vực được mệnh danh là xương sống của lục địa kéo dài hơn 6.400 km từ bang Alaska đến miền Nam Mexico.
Địa hình sắc bén, hiểm trở của Chiricahua được tạo ra từ các tầng kiến tạo và những ngọn núi lửa say ngủ. Trong khi đó, những vùng đất thấp xung quanh được hình thành khi các dãy núi lân cận bắt đầu mở rộng thông qua sự giãn nở của vỏ Trái Đất.
Ảnh: Zack Frank
Sự nâng cao và mở rộng đất đai tại đây đã tạo ra một địa chất độc đáo. Dãy núi cô lập Chiricahua trở thành một hệ sinh thái "đảo bầu trời" có địa hình, thực vật và đời sống hoang dã khác biệt đáng kể so với những vùng đất thấp xung quanh.
Phần lớn khu vực miền Nam bang Arizona là một sa mạc khô cằn hầu như chỉ có xương rồng sinh trưởng nhưng dãy núi Chiricahua và sa mạc Chihuahuan bên dưới lại tạo ra một trong những khu vực đa dạng sinh học bậc nhất vùng Bắc Mỹ. Đảo bầu trời là nơi sinh sống của hàng trăm loài chim, nai, gấu, sư tử núi và nhiều loài động vật lớn khác trong khi chúng hầu như không thể được tìm thấy ở các sa mạc gần biên giới Mexico.
Ảnh: Zack Frank
Dãy núi Chiricahua trải dài hơn 64 km từ bắc đến nam và rộng 32 km. Khi con người bắt đầu tràn về phía Tây giữa những năm 1800, một cung đường xuyên núi dần được hình thành để giúp người dân băng qua khu vực này nhanh hơn. Con đường này được gọi là Apache Pass, đặt theo tên của một bộ tộc bản địa sống trên núi.
Tuy nhiên, số lượng du khách và người định cư tăng lên khiến bộ lạc Apache liên tục bị tấn công, buộc quân đội Mỹ phải xây dựng tiền đồn Fort Bowie. Pháo đài này được sử dụng suốt từ năm 1896 đến năm 1984 nhưng sau khi ngừng hoạt động, nó dần trở nên đổ nát. Đến năm 1972, pháo đài Fort Bowie mới bắt đầu được bảo tồn như một di tích lịch sử quốc gia.
Ảnh: Zack Frank
Tại đây, du khách có thể tản bộ để tham quan khu di tích. Một con đường mòn sẽ dẫn khách du lịch đi qua những chiến trường và các khu vực tấn công trong cuộc chiến Apache xảy ra trong thời nội chiến Mỹ. Dọc theo quãng đường tham quan dài gần 5 km là các tàn tích, hiện vật, kiến trúc, thành tạo đá và các dòng suối tự nhiên.
Đài Tưởng niệm Quốc gia Chiricahua nằm phía Tây Nam của dãy núi là nơi có các thành tạo đá kỳ lạ với tên gọi hoodoo. Nhờ vào khu rừng mọc giữa các khe hở của những tháp đá mà nơi đây trở thành một khu vườn điêu khắc tự nhiên rộng bạt ngàn. Không những thế, một loại rêu đặc biệt có màu vàng còn góp phần tô điểm thêm cho phong cảnh độc đáo không giống như bất kỳ nơi nào khác trên đất Mỹ.
Ảnh: Zack Frank
Những hoodoo ở dãy núi Chiricahua đều được chính tay mẹ thiên nhiên chạm trổ bằng các hoạt động núi lửa, tro tàn và sự xói mòn trong suốt 27 triệu năm.
Ảnh: Zack Frank
Ngoài phong cảnh hùng vĩ do các cột đá hoodoo tạo ra, những lớp đá ngầm bên dưới còn tạo thành các cung đường mòn vừa bằng kích cỡ cho con người chui lọt để khám phá. Điều đáng ngạc nhiên là đài Tưởng niệm Quốc gia Chiricahua lại chưa bao giờ trở thành một điểm du lịch phổ biến, vì vậy các du khách đặt chân đến đây sẽ có cơ hội trải nghiệm những đoạn đường hầm ấn tượng một cách riêng tư.
Mặc dù khu di tích Fort Bowie và đài tưởng niệm Chiricahua nằm trong sự quản lý và bảo vệ của Cục Công viên Quốc gia Mỹ, hơn 90% dãy núi Chiricahua lại có tên là Rừng Quốc gia Coronado. Điều này có nghĩa là vùng đất này có thể được dùng để khai thác khoáng sản. Các hoạt động khai thác dù tích cực hay tiêu cực đều sẽ gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến môi trường thiên nhiên.
Ảnh: Zack Frank