Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 27-7 liệt kê 8 tiệm bánh mì không thể bỏ qua nếu đến Hồng Kông, đồng thời tiết lộ rằng với đặc khu hành chính, sự thành công của món ăn độc đáo này nằm ở độ giòn của bánh.
Do đó, theo SCMP, kẻ thù lớn nhất của bánh mì chính là độ ẩm không khí. Khuyết điểm này ở Việt Nam được khắc phục bằng cách bánh mì mới ra lò thường xuyên và được chở đến các xe hay cửa hiệu bánh mì.
Bánh mì thịt ngày càng phổ biến ở Hồng Kông. Ảnh: SCMP
Đầu bếp người Úc Bao La chịu trách nhiệm giám sát chất lượng của bánh mì thịt tại nhà hàng mới mở Le Petit Saigon ở khu Wan Chai (Loan Tử).
Với đầu bếp Bao, vị ngon đặc trưng của bánh mì Việt Nam đến từ phần nhân gồm thịt được thái mỏng, đồ chua, các loại rau thơm...
Đầu bếp Bao cũng đồng ý với nhận định một ổ bánh mì thịt sẽ không đạt chuẩn nếu bánh mì không giòn. "Sau khi ăn xong, vụn bánh mì phải dính khắp miệng của bạn" – đầu bếp Bao khẳng định.
Vị ngon đặc trưng của bánh mì thịt đến từ sự kết hợp hài hòa giữa thịt, pa-tê, đồ chua và các loại rau thơm. Ảnh: SCMP
Để bánh mì không bị ỉu do độ ẩm cao của Hồng Kông, đầu bếp Bao và nhân viên nướng bánh mì 30 phút trước khi mở cửa nhà hàng.
"Khi quá đông, khách hàng phải chờ đợi. Điều này cũng giống như ở Sài Gòn vậy. Khách xếp hàng mua bánh mì và điều này cũng rất thú vị khi được tận mắt chứng kiến quá trình làm bánh mì" – đầu bếp Bao giải thích.
Đầu bếp người Úc gốc Việt Bao La. Ảnh: SCMP
Roy Ching, chủ cửa hàng Bánh Mì Kitchen ở khu vực Trung Hoàn, cũng khẳng định độ ngon của bánh mì thịt phụ thuộc rất lớn vào chất lượng bánh. Ông Ching tiết lộ một ổ bánh mì chuẩn nên nặng khoảng 80 g, đồng thời cho biết để đạt được độ giòn mong muốn là cả một quá trình.
"Nhiều người dùng chất phụ gia làm bánh nhằm làm bánh mì phồng to và nhanh để đạt được độ giòn mong muốn. Tuy nhiên, chất phụ gia này không 100% tự nhiên" – ông Ching chia sẻ, đồng thời nói rằng để đảm bảo bánh mì hoàn toàn tự nhiên, ông phải "hy sinh" 1 ít độ giòn của bánh.
Với Hồng Kông, yếu tố quyết định thành công của bánh mì thịt nằm ở chất lượng bánh. Ảnh: SCMP
Ông Ching cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa độ cứng và độ mềm của bánh. Mỗi ngày, ông Ching bán được khoảng 150 bánh mì thịt.
Tuy nhiên, ông chủ này cho biết độ "hot" của bánh mì thịt ở Hồng Kông đã suy giảm. "Hiện tại, có nhiều du khách Hồng Kông đến Việt Nam. Họ đã thử món bánh này và biết hương vị của nó. Điều này buộc các nhà hàng Việt Nam tại Hồng Kông phải nâng cao chất lượng" – ông Ching chia sẻ.
Độ "hot" của bánh mì ở Hồng Kông đã suy giảm do ngày càng có nhiều du khách đặc khu kinh tế đến Việt Nam thưởng thức món ăn độc đáo này. Ảnh: SCMP
Tại tiệm bánh mì Cóm Bánh Mì ở Loan Tử, Tim Lau cho biết họ dùng hỗn hợp bột gạo và bột mì để đạt được độ giòn mong muốn.
Tiệm bánh mì thịt lâu đời nhất ở Hồng Kông là Tim Kee French Sandwiches ở khu vực Jordan. Ông chủ Fan Kwai-ho mua lại tiệm này vào năm 1993 và chuyển nó đến địa điểm hiện tại vào năm 2004.
Ông Fan khẳng định chất lượng của bánh mì rất quan trọng nhưng tiết lộ một yếu tố quan trọng hơn. "Trước khi được nướng, bánh mì phải thật mềm. Nếu không, nó sẽ vỡ ra trước khi chúng tôi cho phần nhân vào và nó không thể giữ được phần nhân" – ông Fan tiết lộ.
Một cửa hàng bánh mì nổi tiếng tại Hồng Kông có thể bán 150 bánh mì thịt/ngày. Ảnh: SCMP
8 tiệm bánh mì thịt nổi tiếng nhất Hồng Kông gồm:
- Le Petit Saigon: Số 16 đường Wing Fung, khu Loan Tử. Giá khoảng 88 HKD/ổ
- Bánh Mì Kitchen: Số 22 đường Li Yuen, khu Trung Hoàn. Giá từ 44-52 HKD/ổ với nhiều loại như nhân xá xíu, xíu mại, gà...
- Cóm Bánh Mì: Số 28 đường Tai Wong, khu Loan Tử. Giá 60 HKD/ổ (bánh mì thịt)
- Tim Kee French Sandwiches: Số 30 đường Man Yuen, khu Jordan. Giá 72 HKD/ổ lớn, 37 HKD/ổ nhỏ
- Co Thanh: Số 2-4 Kau U Fong, khu Trung Hoàn
- Bánh Mì Bakery: Số49 đường Lung Kong, khu Cửu Long
- Bep Vietnamese Kitchen: Số 88-90 đường Wellington, khu Trung Hoàn
- Sai Gon Red Banh My: Số 1 đường Kwong Wah St, khu Vượng Giác