Thông tin trên truyền thông mới đây ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel tiết lộ, dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí (OTT) qua mạng Wifi, 3G như Viber, WhatsApp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông. Nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber (một ứng dụng nhắn tin miễn phí) thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Trong khi đó, một lãnh đạo khác cũng của Viettel - Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom phát biểu, về mặt kỹ thuật nhà mạng không thể kiểm soát được tất cả những gì mà doanh nghiệp OTT đang cung cấp. Điều này cũng đặt ra mối lo ngại về vấn đề an ninh khi bị kẻ xấu lợi dụng.
Ảnh minh họa.
Mới đây, đại diện VinaPhone và MobiFone cũng lên tiếng cảnh bảo về tình trạng không kiểm soát được dịch vụ OTT bởi dịch vụ này chủ yếu được cung cấp bởi các công ty nước ngoài không đặt máy chủ tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, hiện nay nhiều đối tượng đang sử dụng dịch vụ OTT nhắn tin quảng cáo rác đến hàng loạt thuê bao khác. Giả sử nếu đối tượng nào đó dùng dịch vụ này cho mục tiêu đe dọa đến an ninh thì sẽ rất nghiêm trọng. Trong khi đó, dịch vụ di động do các nhà mạng cung cấp đang được kiểm soát chặt chẽ bằng các chính sách như xiết chặt quản lý thuê bao trả trước… để đảm bảo hạn chế những tiêu cực cho xã hội.
Trên thực tế, ứng dụng OTT là một ứng dụng trên nền Internet giống như nhiều dịch vụ tương tự khác và cũng có những vấn đề an ninh, bảo mật tương tự như trước đây. Điểm khác biệt duy nhất là nó đem lại tiện ích lớn hơn rất nhiều cho hàng trăm triệu người dùng trên thế giới, và cả chục triệu người dùng tại Việt Nam.
Nếu ai đã sử dụng OTT để nhắn tin thì có thể thấy rõ ưu điểm vượt trội của dịch vụ này so với SMS truyền thống trên điện thoại di động. OTT có tốc độ nhanh hơn, đa dạng hơn (gửi được cả ảnh, thoại, hình động…) và miễn phí (không kể cước 3G). Cũng chính vì thế, người tiêu dùng yêu thích OTT vì nó miễn phí và có chất lượng tốt.
Trong những diễn đàn về OTT trên báo chí thời gian gần đây, vấn đề về an ninh OTT nổi lên nhưng luôn đi kèm với câu chuyện nhà mạng khó khăn do sụt giảm doanh thu bởi ứng dụng nhắn tin miễn phí và đề xuất tăng cước 3G. Ở đây, vấn đề về an ninh được nêu ra với các mối đe dọa rất mơ hồ, mang tính tưởng tượng cao. An ninh của các dịch vụ OTT hiện nay khác gì so với các dịch vụ tương tự từng có và sử dụng phổ biến trước đây thì không bao giờ được lãnh đạo nhà mạng phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc bộ phận An ninh mạng của Bkav khẳng định, bất cứ một dịch vụ, ứng dụng nào trên nền web hay Internet như Yahoo Messenger, Skype, Facebook và cả các ứng dụng OTT đều tồn tại nguy cơ để lộ thông tin cá nhân.
Ông Đức cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ nguy cơ để lộ thông tin người dùng từ các ứng dụng OTT không cao đến mức người dùng phải bỏ, không sử dụng các ứng dụng này nữa. Đây thực sự là những ứng dụng tiên tiến, mang đến một cách thức liên lạc mới và miễn phí cho người dùng. Vấn đề quan trọng nhất nằm ở phía người dùng. Người dùng cần xác định được thông tin nào có thể chia sẻ, thông tin nào không nên chia sẻ để đảm bảo vẫn giữ được những thông tin mang tính cá nhân trên một môi trường có tính phát tán cao như mạng xã hội hoặc ứng dụng OTT”.
Năm 2012, lợi nhuận của của các nhà mạng Viettel, VNPT ghi nhận với những con số khổng lồ lần lượt là 25 nghìn tỷ đồng và 8.500 tỷ đồng. Mục tiêu đạt lợi nhuận khổng lồ trong năm 2013 của các nhà mạng có vẻ như không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường thông tin di động đã đạt gần ngưỡng bão hòa thì mục tiêu lợi nhuận hàng tỷ USD cho năm 2013 mà các hãng đặt ra không hề dễ thực hiện. Trong khi đó, OTT lại là một nhân tố khiến mục tiêu lợi nhuận tỷ đô khó thực hiện hơn.