Trước đó, nhiều người trông đợi Hội thảo Bàn tròn chuyên đề OTT tại Vietnam Telecomp 2013 có thể đưa ra chính sách quản lý hay mô hình hợp tác cụ thể nào đó đối với dịch vụ OTT và nhà mạng. Điều này đang là yếu tố hết sức cần thiết để cả nhà mạng và các doanh nghiệp OTT định hình rõ cho chiến lược phát triển của mình. Nếu để một thời gian dài nữa mới đưa ra vấn đề này sẽ gây khó khăn cho tất cả các bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước, nhà mạng và doanh nghiệp OTT. Tuy nhiên, hội thảo này vẫn chưa thể đưa ra một hướng đi rõ ràng cho dịch vụ OTT.
Hiện Việt Nam có trên 90 triệu thuê bao di động và khoảng 19 triệu thuê bao 3G.
OTT "nóng" trên bàn nghị sự
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện Việt Nam có trên 90 triệu thuê bao di động và khoảng 19 triệu thuê bao 3G. Các mạng di động đã đầu tư mạnh cho dịch vụ 3G và cung cấp dịch vụ với giá cả phù hợp. Tuy nhiên, dịch vụ OTT đang phát triển mạnh trên hạ tầng 3G và thay đổi thói quen sử dụng của khách hàng. Đây cũng là thách thức cho nhà mạng và mở ra cơ hội cho nhà cung cấp nội dung.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế chính sách của Cục Viễn thông đưa ra con số phát triển thuê bao OTT khá mạnh mẽ. Nếu như tháng 1-2012 thì Việt Nam mới có 0,048 triệu thuê bao, đến tháng 2-2013 đã là 0,4 triệu thuê bao và đến tháng 8-2013 là 3,6 triệu thuê bao. Trong đó, Viber đang là nhà cung cấp có số lượng thuê bao lớn nhất với trên 50% thị phần. Ông Trần Tuấn Anh nhận định, dịch vụ OTT đã làm ảnh hưởng đến không chỉ các nhà mạng của Việt Nam mà còn trên toàn cầu - cụ thể: làm giảm doanh thu của Vodafone là 7,6%, Telefonika là 6,5%, Orange là 5,7%... Năm 2012, OTT đã làm thất thu của nhà mạng toàn cầu 8 tỷ USD và đến năm 2015 là gần 20 tỉ USD.
"Trước ảnh hưởng của OTT, nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách cứng rắn như chặn dịch vụ này, cũng có nước bắt chia sẻ giữa nhà mạng và OTT hoặc đưa ra chính sách phụ thu OTT, nhưng cũng có quốc gia thả lỏng dịch vụ. Quan điểm của Việt Nam là phải làm sao phát triển thị trường viễn thông bền vững, duy trì cạnh tranh và nhà mạng phải đảm bảo tái đầu tư cho hạ tầng. Bộ TT&TT cũng ra chỉ thị cho các doanh nghiệp viễn thông hợp tác với các doanh nghiệp OTT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng", ông Trần Tuấn Anh nói.
Phát biểu về mô hình hợp tác giữa nhà mạng và nhà OTT, ông Denis Brunetti - Phó Tổng giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam cho rằng, mọi dịch vụ cần đạt được chất lượng về dịch vụ, có những gói dịch vụ khác nhau cho các phân khúc khách hàng khác nhau; đồng thời dịch vụ đó phải thông minh, đơn giản thuận tiện cho người sử dụng và độ tin cậy cao. Từ kinh nghiệm của các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, việc xây dựng những gói cước đa dạng, kết hợp dịch vụ nhắn tin và dịch vụ dữ liệu đã mang lại sự tăng trưởng. Ví dụ như với nhà mạng AT&T, việc cung cấp thiết bị kết hợp các gói cước về dịch vụ dữ liệu đã mang tới kết quả tăng trưởng 8,5% về doanh thu. Mạng Verizon cũng áp dụng những gói cước khác nhau giúp tăng trưởng doanh thu 14,5%.
Theo ông Denis Brunetti, đây là giai đoạn mở đầu cho rất nhiều bước tiếp theo. Do vậy, việc các bên cùng ngồi với nhau gồm các nhà họach định chính sách viễn thông, nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ OTT, các công ty cung cấp giải pháp như Ericsson là điều kiện để đưa ra những sáng kiến triển khai việc này. Nguyên tắc cơ bản là các bên cùng có lợi, có điều kiện phát triển cộng sinh.
Nhà mạng sẵn sàng hợp tác với nhà OTT
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng Ban Viễn thông của VNPT cho biết, smartphone đang phát triển mạnh kèm với đó dịch vụ OTT đang ảnh hưởng lớn đối với nhà mạng. OTT qua mạng Wi-Fi và 3G sẽ rất khó quản lý về mặt an ninh bởi nếu bị lợi dụng thì các thông tin có thể lan nhanh qua dịch vụ này. Theo thống kê của Oum thì thoại và SMS miễn phí đang ảnh hưởng từ 9 - 10% doanh thu của nhà mạng. Ông Đỗ Vũ Anh cũng cho rằng các nhà mạng sẽ phải hợp tác với một vài doanh nghiệp OTT theo hình thức đôi bên cùng có lợi.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel cho rằng, OTT đang có điều kiện phát triển tốt ở Việt Nam vì chưa bị quản lý và ở trong điều kiện cước 3G quá rẻ còn Wi-Fi miễn phí khắp nơi. Hiện tỷ lệ smartphone chiếm tới 40% tổng số điện thoại của Việt Nam nên OTT có điều kiện tăng trưởng mạnh. Ông Dũng cũng đưa ra nhận định, nếu so với các sản phẩm OTT nước ngoài thì sản phẩm trong nước kém cạnh tranh và chưa đa dạng. Các sản phẩm trong nước tập trung chủ yếu vào thoại và SMS miễn phí nên bị hạn chế nếu xét về dài hạn.
Ông Nguyễn Việt Dũng còn cho biết, Việt Nam chưa có khung pháp lý phù hợp cho OTT như quảng cáo, chất lượng dịch vụ, tin nhắn rác, bí mật thông tin khách hàng... Vì vậy, Việt Nam cần có quy định pháp lý về vấn đề này. "Trước sự phát triển của OTT, nhà mạng phải thích ứng và chuyển đổi mô hình kinh doanh từ kinh doanh thoại sang phi thoại. Các nhà cung cấp viễn thông sẽ chuyển thành các nhà cung cấp Internet di động. Viettel sẵn sàng hợp tác với nhà OTT để cung cấp cho khách hàng những giá trị mới", ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo xoay quan vấn đề có phải nhà mạng chặn dịch vụ OTT hay không? Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc MobiFone khẳng định MobiFone không chặn dịch vụ OTT. MobiFone đang tiếp xúc với một số nhà cung cấp dịch vụ OTT để bàn chuyện hợp tác. Ông Nguyễn Việt Dũng cũng khẳng định Viettel chưa bao giờ chặn dịch vụ OTT.
Cũng tại buổi hội thảo này, ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng các chính sách quản lý dịch vụ OTT cần được xem xét, thảo luận tiếp trước khi đưa ra quyết định cụ thể trong thời gian tới.