"Kinh doanh trong sợ hãi"
Tại tọa đàm “Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý” diễn ra sáng 5-9, ông Vương Quang Khải - Phó Tổng Giám đốc VNG (doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Zalo) bày tỏ: Ngay khi xuất hiện tại Việt Nam, các dịch vụ OTT như Zalo, LINE, Kakao Talk… đã được cộng đồng người sử dụng đón nhận bởi khả năng cho phép gọi điện, nhắn tin, gửi tin nhắn bằng giọng nói, hình ảnh... miễn phí trên nền Internet.
Các dịch vụ OTT nở rộ tại Việt Nam đang khiến các nhà mạng thất thu. Ảnh: H.P
Ông Khải nhấn mạnh, đây là xu hướng công nghệ trên thế giới, phục vụ người dân và VNG đã đổ ra số tiền không nhỏ để đầu tư vào Zalo. Tuy nhiên, VNG cũng như một số nhà cung cấp dịch vụ OTT khác tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, lo lắng cho “số phận” của dịch vụ do Nhà nước chưa có cơ chế quản lý cụ thể.
“Dịch vụ OTT phát triển tại Việt Nam cũng đã được một thời gian, tuy nhiên cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có cơ chế quản lý rõ ràng. Chúng tôi đang sống trong sợ hãi”, ông Khải bày tỏ.
Ông Nguyễn Phong Lộc - Phụ trách mảng Ứng dụng và Game của Công ty NHN Việt Nam (cung cấp dịch vụ LINE Messenger) nói rằng, doanh nghiệp này cũng đang rất lo lắng về tương lai dịch vụ OTT tại thị trường Việt Nam.
“Đầu tư vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đã tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, được cấp giấy phép đầu tư, đáp ứng những yêu cầu của cơ quan quản lý… OTT là tiến bộ công nghệ phục vụ xã hội, chúng tôi mong muốn được các cơ quan quản lý ủng hộ, đưa ra quy định quản lý vừa đảm bảo được sự phát triển, lợi ích cho các bên, đồng thời khuyến khích đầu tư giúp các doanh nghiệp OTT yên tâm hoạt động, mang lợi ích cao nhất cho người dùng”, ông Lộc nói.
Mở ra hướng hợp tác
Tại tọa đàm, ông Vương Quang Khải cho rằng sự phát triển của dịch vụ OTT đang tác động tới doanh thu về tin nhắn, gọi điện nhưng cũng góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng dữ liệu 3G, Mobile Internet cho các nhà mạng. Để có thể phát triển lâu dài, các doanh nghiệp OTT đang mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone… để mang tới cộng đồng người dùng dịch vụ tốt nhất, thay vì sự hợp tác mới chỉ dừng lại ở việc chạy trên nền dịch vụ của nhà mạng như hiện nay.
Ông Khải gợi ý, các bên nên cùng nhau hợp tác, mở ra kênh thanh toán trên mobile, cung cấp các dịch vụ phi thoại, dịch vụ giá trị gia tăng nhắm tới những nhu cầu thiết yếu của người dùng như y tế, giải trí… Chính hình thức hợp tác đôi bên có lợi giữa doanh nghiệp OTT với các nhà mạng sẽ tạo ra lợi ích cho người dùng và các bên liên quan.
Theo đại diện của LINE, nhà mạng có lợi thế sở hữu nguồn lực hạ tầng mạnh, lượng khách hàng lớn, còn điểm mạnh của doanh nghiệp OTT là sự sáng tạo nên nếu hợp tác thì chắc chắn sẽ giúp người dùng được hưởng nhiều dịch vụ giá trị. Ông Lộc đề xuất mô hình cụ thể: LINE sẵn sàng ngồi cùng các mạng thông tin di động xây dựng sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, có thể là dịch vụ mang thương hiệu của nhà mạng hoặc đồng thương hiệu như “Viettel - Line”, “MobiFone - Line”...
“Về vấn đề hợp tác với các nhà mạng, từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, chúng tôi luôn suy nghĩ đến vấn đề này, và thực tế thời gian qua đã đặt vấn đề cả chính thức cũng như ngoài lề với nhà mạng nhiều lần. Nhưng dù vậy, trước hết LINE cũng bày tỏ sự mong chờ Nhà nước sớm ban hành chính sách quản lý cụ thể, rõ ràng đảm bảo được sự hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp - người dùng - cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ”, ông Lộc nói.