Từ giữa tháng 9 đến nay, 100.000 túi gạo từ chiến dịch "Góp triệu yêu thương, trao ngàn tấn gạo" của Thế Giới Di Động - Điện máy Xanh cùng 21 nhãn hàng đối tác đã lần lượt được trao tay đến bà con khó khăn ở các khu dân cư, xóm trọ trên 23 tỉnh thành miền Nam.
"Cõng" cả gia đình trên lưng
Khi những phần quà được tập kết ở cửa hàng Điện Máy Xanh - Bình Chánh, một cô bé được ban tổ chức "ưu ái" gọi ra lấy phần gạo đầu tiên. Đó là em Bảo Ngọc, sinh viên Cao đẳng Lý Tự Trọng. Gia đình Ngọc gồm 4 người sống trong căn phòng trọ nhỏ, chật vật với lương công nhân của người cha nuôi 3 đứa con ăn học. Dịch bệnh ập đến cũng là lúc cha mất việc. Thu nhập không có, tiền trọ vẫn phải nợ, bà con cho rau, cho gạo, có gì ăn nấy, với Ngọc, không mắc Covid đã là may mắn lắm rồi. "Chỗ gạo này có thể ăn được cả tháng, em cũng sẽ ráng vừa học vừa làm để giúp gia đình trang trải", Ngọc nhận túi gạo, đôi mắt ánh lên niềm hân hoan.
Niềm vui của em gái nhỏ thay cha ôm 20kg gạo về nhà
Mất việc, mất nguồn thu nhập, sống nhờ vào sự giúp đỡ của địa phương và các nhà hảo tâm là hoàn cảnh chung của đa số những người dân đến nhận gạo. Thế nhưng với ông Nguyễn Văn Long, 60 tuổi, việc "gồng gánh" cả gia đình 6 người, trong đó có con gái nhỏ bị bệnh thần kinh và cháu ngoại vừa sinh thực sự là quá sức. "4 tháng qua tôi không thể chạy xe ôm, các con cũng mất việc. Nhờ phường giới thiệu mà hôm nay tôi được ra đây nhận gạo để chống đỡ cả gia đình qua ngày, chứ giờ sức cạn lực kiệt rồi. Công việc trước đây vốn đã bấp bênh, rồi không biết tương lai sắp tới sẽ ra sao", khuôn mặt cháy nắng của ông nặng trĩu nỗi lo.
"Có 20kg gạo là tháng tới yên tâm, đỡ phải lo nay mai no đói thế nào"
Sau 13 năm làm vệ sinh ở chợ đầu mối Bình Điền với mức thù lao chỉ 90.000 đồng/buổi, ông Nguyễn Hoàng Luân, 66 tuổi, ngụ ở Bình Chánh nay cũng không còn sức lao động. "Người ta chê tôi lớn tuổi, hết sức khỏe rồi nên giờ chẳng ai thuê, tôi phụ việc cho chùa để có cơm ăn. Chỉ mong hết dịch bệnh để cộng đồng được khỏe mạnh, chứ sống ở đây 30 năm, tôi thấy cảnh khổ quá rồi. Ai tới đây nhận gạo cũng khổ hết!", ông nói.
Chỉ mong có gạo để nấu cơm ăn với mắm, kho quẹt
Dịch bệnh không chỉ tác động đến đời sống người dân mà còn đe dọa tinh thần của họ. Áp lực để sinh tồn bó hẹp trong không gian sống của bốn bức tường chật chội, nỗi lo cho người thân, con cái bủa vây, những mất mát, thương tổn… là nỗi buồn chung của những người đến nhận gạo. Sự sẻ chia vào thời điểm khó khăn nhất, chính là tiếp thêm một ngọn lửa tinh thần, giúp họ tin rằng sau những biến động vừa qua, công việc vẫn đang chờ họ, cuộc sống rồi sẽ ổn định hơn. Đó cũng là lý do để chiến dịch "Góp triệu yêu thương, trao ngàn tấn gạo" được khẩn trương triển khai, đồng loạt biến 400 cửa hàng Điện máy Xanh trên 23 tỉnh thành phía Nam trở thành địa điểm gần nhất để các hộ gia đình nghèo dễ dàng đến nhận gạo.
Bà con khó khăn đến nhận gạo như một cách đón nhận sự quan tâm của doanh nghiệp
Bất kể ngày nắng ngày mưa, nhóm nhân viên Thế Giới Di Động - Điện máy Xanh với những vật dụng bảo hộ cần thiết, chia nhau phụ người dân xách từng bao gạo lên xe ra về. 20kg gạo có thể không thấm hết những cơ cực người dân trải qua, nhưng có lẽ đã là tạm đủ với những mảnh đời "chỉ mong có đủ cơm ăn thôi, không có ham cái gì hơn hết", "có gạo mình nấu lên ăn với nước tương nước mắm là no bụng" như bà Tho ở Gò Vấp hay bà Chí ở Bình Tân.
Người dân ai cũng ra về với túi gạo "nặng" sẻ chia
"Chỉ cần 20kg gạo, nhà tôi đã bớt một gánh lo bữa no bữa đói, mắm, rau đã có, giờ thêm gạo là đủ sống, chờ tình hình tốt lên rồi tôi sẽ đi bán lại", chị Thu Thủy, 59 tuổi mong mỏi chờ gánh hàng rong của mình được bước tiếp khi cuộc sống dần ổn định.
Niềm hân hoan của cụ bà người miền Tây bên những túi gạo nghĩa tình
Phát từng túi gạo, trao gửi yêu thương đến từng số phận. Sự tử tế và nghĩa tình của những người tổ chức và tham gia chiến dịch đã phần nào giúp nhiều đồng bào vượt qua khốn khó, để "không ai bị bỏ lại phía sau".